Hòa Bình hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai năm 2021: Sẵn sàng các phương án ứng phó, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai

Đăng ngày: 19-05-2021 | Lượt xem: 677
Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2021 (từ ngày 15 - 22/5) có chủ đề: "Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai” nhằm mục tiêu nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là mùa mưa bão năm 2021...; nâng cao năng lực, kỹ năng chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai của người dân. Theo đó, UBND tỉnh đã sớm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động triển khai các hoạt động hưởng ứng phù hợp với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh và các địa phương không tổ chức các hoạt động lớn, tập trung đông người. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác truyền thông, tuyên truyền được tăng cường với hình thức phù hợp, linh hoạt, như: Tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở; gửi văn bản tuyên truyền qua email cá nhân, tổ chức; treo pano, băng rôn... tại trụ sở cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT& TKCN) các cấp...

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND, ngày 12/1/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác PCTT&TKCN; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh năm 2021, các địa phương đã chỉ đạo và thực hiện kiện toàn, phân công nhiệm vụ, phân công phụ trách cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN.

Với tư tưởng chỉ đạo: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính với phương châm '' 4 tại chỗ'', trước mùa mưa lũ, các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng, đảm bảo ứng phó thiên tai. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân được quan tâm, chú trọng hơn. Các địa phương chủ động tuyên truyền để người dân trên địa bàn biết cách nhận biết và phòng tránh đối với từng loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, công tác thu nộp quỹ PCTT tiếp tục được thực hiện, triển khai đến các cơ quan, đơn vị, người dân; có kế hoạch thu nộp và chỉ đạo thực hiện từ đầu năm, qua đó giúp duy trì nguồn kinh phí chủ động cho tỉnh thực hiện các nhiệm vụ PCTT.

Thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, khó lường, đe dọa sự an toàn trong cuộc sống, sản xuất của người dân. Kết quả rà soát mới đây cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 187 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao, với 4.003 hộ nằm trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai cần phải có phương án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư. Cụ thể, khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn có 118 điểm với 2.519 hộ bị ảnh hưởng; khu vực thường xuyên bị lũ ống, lũ quét có 18 điểm, 113 hộ bị ảnh hưởng; khu vực thường xuyên bị ngập úng có 51 điểm, 1.371 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư.

Để tăng cường tính chủ động cũng như công tác phối hợp PCTT, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật PCTT về công tác kiện toàn, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai, đặc biệt là kế hoạch PCTT giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường công tác tuyên truyền về PCTT; thực hiện trực ban nghiêm túc 24/24h trong mùa mưa bão 2021. Yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, bổ sung các phương án phòng tránh thiên tai phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Sẵn sàng phương án chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho Nhân dân, tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra...

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: