Hệ thống đê điều - nền tảng của công tác phòng, chống thiên tai

Đăng ngày: 13-05-2021 | Lượt xem: 8816
Từ bao đời nay, Việt Nam luôn lấy thủy lợi, đê điều là biện pháp kỹ thuật hàng đầu, là nền tảng cho canh tác nông nghiệp và phòng, chống thiên tai.

Hệ thống đê điều của Việt Nam có quy mô lớn với tổng số 9.080 km đê các loại.

Hệ thống đê điều của Việt Nam có quy mô lớn với tổng số 9.080 km đê các loại.

Quá trình phát triển hệ thống đê điều thời kỳ phong kiến

Trải qua các triều đại phong kiến, tuy còn ở mức độ sơ khai, hệ thống đê điều và thủy lợi đã giúp nhân dân ta mở mang diện tích đất canh tác, khai hoang nhiều vùng đất rộng lớn, bảo vệ mùa màng và cuộc sống người dân… Thời kỳ này, công tác thủy lợi được quản lý bởi triều đình, sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nước trời.

Theo ghi chép trong Quốc sử Việt Nam, công trình thủy lợi đầu tiên được xây dựng vào thời Lê sơ - là kênh nhà Lê nối thông Ninh Bình với nam Thanh Hóa. Đến thời Lý đã xây dựng được các công trình như: đê sông Lam (Nghệ An), đê Như Nguyệt trên sông Cầu, kênh Lẫm Cảng - Ninh Bình, sông Tô Lịch - Hà Nội… Hệ thống đê, trong đó có đê biển tiếp tục được phát triển trong thời Trần và các triều đại sau đó.

Dấu ấn quan trọng nhất trong việc trị thủy, khai hoang lấn biển vào các năm 1827 - 1830, cụ Nguyễn Công Trứ khi làm Doanh Điền Sứ đã tổ chức quai đê lấn biển, di dân lập ấp, xây dựng nên 2 vùng đất mới Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình).

Những thành quả vĩ đại của công cuộc doanh điền lập ấp ở Tiền Hải đã đánh dấu một bước phát triển nhảy vọt trong lịch sử trị thủy ở Việt Nam, đem lại những bài học vô giá, những kinh nghiệm về kỹ thuật đào sông, đắp đê, cải tạo đất đai, xây dựng các điểm dân cư làng xã, đặc biệt có ích cho quá trình tiếp tục quai đê lấn biển mở rộng khai hoang của nhân dân Tiền Hải, dấu mốc quan trọng trong việc chủ động kiểm soát nguồn nước, phòng, chống thiên tai do nước gây ra phục vụ sản xuất, dân sinh trong thời kỳ phong kiến.

Trong thời kỳ này, các công trình thủy lợi và hệ thống đê điều được quan tâm xây dựng để phục vụ trực tiếp cho chiến tranh xâm lược và mở mang khai thác nông nghiệp thuộc địa.

Giai đoạn từ 1945 đến nay

Giai đoạn 1945-1975, ngay sau khi giành được độc lập, Chính phủ đã quan tâm đến công tác trị thủy để khai thác nguồn nước, phòng chống tác hại của thiên tai liên quan đến nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ dân cư.

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông Công chính - cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ về Thuỷ lợi của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Công tác thủy lợi sau đó được giao cho Bộ Thủy lợi và Kiến trúc (1955), Bộ Thủy lợi (1958), Bộ Thủy lợi và Điện lực (1960), Bộ Thủy lợi (1962).

Công tác thủy lợi thời kỳ này có thể chia thành nhiều giai đoạn, với mục tiêu phát triển khác nhau: từ trọng tâm là gia cố, bảo vệ đê điều, bảo vệ và quản lý hiệu quả các hệ thống nông giang đã có, mở rộng diện tích tưới kết hợp với làm thủy lợi nhỏ những năm 1945 - 1954;

Phục hồi các công trình lớn, mở rộng các công trình vừa và nhỏ trong kế hoạch khôi phục kinh tế giai đoạn 1955 - 1957; thực hiện ba chính (giữ nước là chính, thủy lợi nhỏ là chính, nhân dân làm là chính) trong kế hoạch cải tạo, phát triển kinh tế giai đoạn 1958 - 1960;

Để phát triển mạnh mẽ công tác thủy lợi và cải tạo đất để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giải quyết hạn hán, thanh toán chua, mặn, thu hẹp tối thiểu diện tích úng, đảm bảo chống lụt, bão, mặn; bước đầu trị thủy và khai thác sông Hồng trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965; hoàn chỉnh thủy nông những năm 1968 - 1975.

Giai đoạn này đã ghi nhận những thành quả to lớn của Chính phủ và nhân dân ta trong công tác thủy lợi, có những quyết sách đột phá, giải pháp quan trọng phát triển thủy lợi, hệ thống đê điều để khắc phục những khó khăn ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ngay trong thời gian từ năm 1945 - 1954, tại những vùng tự do đã tập trung tu bổ, bồi đắp những đoạn đê xung yếu, chủ yếu ở Bắc Bộ và vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Bên cạnh việc khôi phục và xây dựng mới công trình thủy lợi, củng cố, tăng cường các tuyến đê sông, đê biển cũng được quan tâm đầu tư, đã quy hoạch lại tất cả các tuyến đê; tôn cao, áp trúc, thả kè ổn định lòng sông.

Kết quả, đê đạt mức đảm bảo cao trình chống lũ 13,30m tại Hà Nội và 6,50m tại Phả Lại, xây dựng các khu chậm lũ Tam Thanh (Vĩnh Phú), Vân Cốc (Hà Tây) đảm bảo an toàn cho Hà Nội.

Đê sông từ Thanh hóa đến Hà Tĩnh được nâng cao, củng cố, chống được lũ lớn nhất đã từng xảy ra. Cũng trong giai đoạn này, thủy điện Thác Bà trên sông Chảy đã được khởi công xây dựng năm 1964.

Đê bê tông cốt thép tả Bùi, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội với chi phí gần 40 tỷ đồng đang được gấp rút hoàn thiện để tránh nguy cơ gây mất an toàn cho các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, Quốc Oai và một bộ phận các quận nội đô Hà Nội.

Đê bê tông cốt thép tả Bùi, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội với chi phí gần 40 tỷ đồng đang được gấp rút hoàn thiện để tránh nguy cơ gây mất an toàn cho các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, Quốc Oai và một bộ phận các quận nội đô Hà Nội.

Công tác đê điều và phòng chống lụt bão ở Miền Bắc sau năm 1975 vẫn tiếp tục được coi trọng cả về công tác quản lý và đầu tư, đã triển khai thực hiện hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống đê sông từ Hà Tĩnh trở ra, đặc biệt là hệ thống đê sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, Sông Cả và một phần đê biển Bắc Bộ và Khu IV cũ, cải tạo đầu mối Đập Đáy để bảo đảm phân lũ sông Hồng vào sông Đáy với lưu lượng từ 4.000 lên 5.000 m3/s…

Đến cuối năm 2010 trở lại đây, công tác phòng tránh tác hại của nước cũng chuyển dần sang quản lý rủi ro, chủ động phòng, tránh và khắc phục thiệt hại.

Hệ thống đê điều của Việt Nam có quy mô lớn với tổng số 9.080km đê các loại (5.547km đê sông; 1.343km đê cửa sông; 1.150km đê biển), trong đó có 2.727km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Bảo vệ song hành phát triển

Qua đánh giá hiện trạng, các tuyến đê từ cấp III trở lên hiện còn 399km đê thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt còn nhỏ; 160km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 459 cống cũ, hư hỏng; 158km kè sạt lở, hư hỏng; 230 trọng điểm xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão.

Gia tăng sức ép của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đối với hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, năng lực phục vụ thấp, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư nâng cấp, sửa chữa còn hạn chế là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia.

Ngày 07/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý đê điều, chỉ đạo cơ quan chức năng và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh; xử lý nghiêm, kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra các vụ vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn.

Tổ chức lập, rà soát nội dung phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều thuộc phạm vi quản lý của địa phương trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trong đó xác định cụ thể phương án quản lý, sử dụng đất ở bãi sông, số lượng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông phải di dời và xây dựng phương án, lộ trình di dời đảm bảo khả thi để tổ chức thực hiện.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai đến cộng đồng, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình ven đê.

Đặc biệt là chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông phải di dời theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều được cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật Luật Đê điều và Luật Ngân sách nhà nước.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: