Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm việc với UBND tỉnh Lai Châu

Đăng ngày: 25-05-2022 | Lượt xem: 2391
Ngày 24/5, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai do ông Trần Hồng Thái, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lai Châu về công tác PCTT trên địa bàn tỉnh.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía UBND tỉnh Lai Châu có ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; đại điện lãnh đạo một số Sở, ngành; Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Ông Trần Hồng Thái, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tạo buổi làm việc, Ông Vương Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết:  Năm 2021, mặc dù, các cấp chính quyền và nhân dân đã rất cố gắng phòng ngừa, song thời tiết trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng như khu vực Tây Bắc diễn biến phức tạp; mùa mưa kết thúc muộn hơn 1 tháng so với trung bình nhiều năm, đặc biệt do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, 7 và số 8 đã gây ra 11 trận lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, gió lốc, làm bị thương 17 người, hư hỏng, ảnh hưởng 750 nhà; thiên tai cũng làm gãy, dập, ảnh hưởng 656,55 ha cây trồng các loại; thiệt hại 2 công trình văn hóa, 5 điểm trường bị ảnh hưởng; một số tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, liên bản sạt lở gây tắc nghẽn giao thông, khối lượng sạt lở gần 1,3 triệu m3 đất, đá. Ước tổng thiệt hai do thiên tai gây ra trên 97 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại, 4 đợt mưa dông, lốc đã gây thiệt hại đến người và tài sản của nhà nước, nhân dân. Cụ thể, thiên tai đã làm 1 người chết; trên 200 nhà và tài sản nhân dân bị ảnh hưởng, thiệt hại; rét đậm, rét hại làm 190 con gia súc bị chết; một số công trình cơ sở hạ tầng quân sự, văn hóa, giáo dục bị ảnh hưởng, hư hỏng; một số tuyến đường bị sạt lở, gây tắc nghẽn giao thông với tổng khối lượng đất đá sạt lở trên 40.000m3. Ước thiệt hại do thiên tai gây ra trên 15 tỷ đồng.

Về công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, bố trí sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai, UBND các huyện, thành phố đã huy động các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dân quân xung kích cấp xã với tổng số trên 900 lượt người. Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện đã chỉ đạo các đơn vị thi công trú đóng trên địa bàn khẩn trương khắc phục sụt, sạt đảm bảo giao thông thông suốt. Tổ chức phân công nhân lực túc trực thường xuyên hướng dẫn, phân luồng giao thông đảm bảo cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Ông cũng cho biết tỉnh Lai Châu đã tổ chức kiểm tra, rà soát các điểm, khu vực dân cư có nguy cơ xảy ra thiên tai cao, lập phương án bố trí, di dời các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai, lồng ghép nguồn vốn của các chương trình dự án hiện có; vốn huy động hợp pháp khác với nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương thuộc Chương trình bố trí dân cư để thực hiện ổn định dân cư đặc biệt là các khu vực có nguy cơ thiên tai. Năm 2021, tỉnh Lai Châu đã bố trí, sắp xếp cho 100 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ thiên tai. Tại Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 13/1/2022, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Lai Châu dự kiến bố trí, sắp xếp cho 2.788 hộ, bao gồm vùng thiên tai 1.554 hộ, đặc biệt khó khăn 492 hộ, biên giới 742 hộ với tổng kinh phí trên 530 tỷ đồng.

Thông tin về công tác PCTT trên địa bàn tỉnh, ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh Lai Châu có kết cấu địa chất yếu, thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai như mưa đá, rét hại, sạt lở đất, lũ quét... Trong khi đó, người dân lại thường sinh sống ở ven các sông, suối nên khi mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất nên rất nguy hiểm. Tình hình giao thông khi mưa lũ rất khó khăn nên công tác ứng phó, xử lý sự cố gặp nhiều hạn chế. Cùng với đó, Lai Châu có hơn 265km đường biên giới với Trung Quốc, tỷ lệ hộ nghèo lớn. Tỉnh hiện còn hơn 2.000 hộ sống ven các sườn núi, ven sông, suối không có khả năng tập hợp, bố trí lại dân cư, nên công tác PCTT càng trở nên khó khăn.

Ông Hà Trọng Hải kiến nghị Đoàn công tác có ý kiến với các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ mạnh hơn về nguồn lực tài chính PCTT cho địa phương. Bên cạnh đó, xem xét, chỉnh sửa các quy trình, thủ tục trong nhận hỗ trợ thiệt hại thiên tai theo hướng đơn giản, hiệu quả, tránh chống chéo. Về Kết quả đánh giá công tác PCTT theo Bộ chỉ số năm 2021, ông Hà Trọng Hải cho rằng, các chỉ số cần phù hợp hơn với từng địa phương, từng khu vực, nên chia ra các tiêu chí đánh giá theo khu vực có tính chất tương đồng.

Toàn cảnh buổi làm việc

Kết luận Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái nhấn mạnh, trong những năm qua, diễn biến thiên tai trên địa bàn tỉnh Lai Châu liên quan đến mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất rất phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, tỉnh đã cơ bản hoàn thành tốt công tác PCTT&TKCN trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, kịp thời hỗ trợ và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản; hỗ trợ việc ổn định tình hình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Các văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã được UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện và triển khai đến các Sở, ban, ngành, các cấp ở địa phương để thực hiện. Công tác kiện toàn Ban chỉ huy các cấp đã được thực hiện, phương tiện cho hoạt động của Văn phòng thường trực đã được tỉnh chú trọng đầu tư để đảm bảo yêu cầu làm việc.

Ông Trần Hồng Thái cũng đánh giá, việc xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT cấp xã đã thực hiện tốt với 106/106 xã, phường, thị trấn đã thành lập tổ đội xung kích cấp xã với tổng số hơn 7.400 thành viên, lực lượng thường trực bao gồm: Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích, các doanh nghiệp, tình nguyện viên và các lực lượng khác trên địa bàn tỉnh luôn luôn đảm bảo duy trì khoảng 9.000 người, đây chính là lực lượng sẵn sàng tham gia ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai xảy ra. Công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT đã được các cấp chính quyền tại địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Trần Hồng Thái cho rằng, tỉnh Lai Châu cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTT. Cụ thể, theo báo cáo, các văn các văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã được UBND tỉnh có các văn bản, Kế hoạch để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong báo cáo chưa nêu được kết quả thực hiện qua những số liệu cụ thể. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành tại địa phương rà soát, bám sát các Văn bản để tiếp tục triển khai thực hiện.

Về việc xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai; thực hiện phương châm 4 tại chỗ tại các địa phương, đặc biệt là xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho xung kích PCTT cấp xã, đề nghị các cấp chính quyền ở địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật cho sát với thực tế vì hiện nay, thiên tai luôn diễn biến bất thường, cần phải chủ động ứng phó. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ di dân ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm, theo kết quả rà soát, đánh giá của tỉnh.

Đối với kiến nghị của UBND tỉnh về hỗ trợ kinh phí, ông Trần Hồng Thái cho biết, Đoàn kiểm tra sẽ tổng hợp gửi Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Về một số kiến nghị sửa đổi các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập hồ chứa nước, đề nghị các thành viên của Đoàn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp các ý kiến của UBND tỉnh về báo cáo Lãnh đạo Bộ để có kế hoạch sửa đổi, đồng thời, Đoàn cũng tổng hợp gửi về Ban Chỉ đạo

Về ý kiến sửa đổi Quy trình vận hành liên hồ chứa, ông Trần Hồng Thái cho biết, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp các kiến nghị của các địa phương, Bộ, ngành để chỉnh sửa trình Thủ tướng Chính phủ. Đối với các quy định về Quỹ PCTT, Đoàn cũng tổng hợp gửi Ban chỉ đạo để đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những hướng dẫn chi tiết.

Trước đó, Đoàn công tác đã đi kiểm tra tại khu vực xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ suối Hua Chăng, thị trấn Tân Uyên và suối Nậm Cưởm, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên.

Đoàn công tác kiểm tra ông tác PCTT trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Tạp chí KTTV tổng hợp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: