Đề phòng nguy hiểm mùa mưa

Đăng ngày: 30-05-2022 | Lượt xem: 2832
Khi thời tiết chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa, dễ kèm theo hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: Mưa lớn kéo dài, giông lốc, gió giật mạnh, sét đánh… Những hiện tượng này có thể gây hư hại nhà cửa, công trình, thiệt hại lúa, hoa màu, cây ăn trái, ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản… Do vậy, cần chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Đề phòng thời tiết mùa mưa

Khi thời tiết chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa, dễ kèm theo hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: Mưa lớn kéo dài, giông lốc, gió giật mạnh, sét đánh… Những hiện tượng này có thể gây hư hại nhà cửa, công trình, thiệt hại lúa, hoa màu, cây ăn trái, ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản… Do vậy, cần chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Thời điểm An Giang xuất hiện mưa trái mùa nhiều và bắt đầu thời kỳ chuyển sang mùa mưa (giữa tháng 4 đến giữa tháng 5/2022), mưa lớn kèm giông lốc, gió giật mạnh đã gây nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh. Điển hình như tại khu vực ấp Phú Thượng 3 (xã Kiến An, huyện Chợ Mới), cơn mưa giông chiều 14/4 làm sập, tốc mái 21 căn nhà của người dân. Trong đó, 1 căn nhà sập hoàn toàn, 4 căn nhà tốc mái hoàn toàn và 16 căn nhà tốc mái một phần (từ 10-30%). Địa phương kịp thời thăm hỏi, huy động lực lượng giúp dân dọn dẹp nhà cửa, hỗ trợ một phần thiệt hại để bà con ổn định cuộc sống.

Cũng trong thời gian này, mưa giông gây ảnh hưởng 29 căn nhà, 5 cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Châu Phú, ước thiệt hại tài sản trên 1,5 tỷ đồng. Trong đó, 14 căn nhà và 5 cơ sở ở xã Bình Thủy (3 căn nhà tốc mái hoàn toàn, 1 cơ sở thiệt hại 100%), ước thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng; 14 căn nhà ở xã Bình Long (11 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn), ước thiệt hại 215 triệu đồng; 1 căn nhà ở xã Bình Mỹ tốc mái hoàn toàn, ước thiệt hại khoảng 15 triệu đồng. Ngoài ra, mưa giông còn làm tốc mái nhà, đè gãy 1 trụ điện trung thế và 2 trụ điện hạ thế trên Quốc lộ 91, gây mất điện cục bộ các xã dọc Quốc lộ 91 và một số xã vùng trong của huyện; sét đánh làm hỏng một phần đường dây trung thế tuyến Quốc lộ 91 (khu vực xã Mỹ Phú và Khánh Hòa).

Khi xảy ra giông lốc, Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự huyện Châu Phú kịp thời có mặt, chỉ đạo phân luồng giao thông tại vị trí gần cầu Cây Dương (Quốc lộ 91). Địa phương huy động lực lượng “4 tại chỗ” hỗ trợ hộ dân bị thiệt hại dọn dẹp, khắc phục lại chỗ ở tạm thời.

Không chỉ huyện Chợ Mới và Châu Phú, mưa lớn kèm theo giông, lốc chiều 14/4 còn gây thiệt hại 35 căn nhà ở huyện Phú Tân (sập và tốc mái). Từ đầu năm đến giữa tháng 5/2022, An Giang bắt đầu bước vào mùa mưa. Những hiện tượng thời tiết nguy hiểm cũng xuất hiện. Điển hình như vào lúc 12 giờ 30 phút trưa 10/5, mưa lớn kèm theo giông, gió giật làm thiệt hại nhà của người dân trên địa bàn xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới).

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, từ giữa tháng 5 đến nay, áp cao lạnh lục địa tăng cường ở phía Bắc nén rãnh áp thấp có trục khoảng 25-28 độ vĩ Bắc xuống phía Nam và suy yếu dần. Ở phía Nam, rãnh áp thấp xích đạo suy yếu và mờ dần đi. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục đi qua Trung Bộ hoạt động yếu và rút dần ra phía Đông. Gió trên khu vực tỉnh An Giang hoạt động phổ biến theo hướng Nam đến Đông Nam trong nửa đầu tuần, sau đổi sang hướng Nam đến Tây Nam và hoạt động với cường độ yếu đến trung bình.

Do chịu ảnh hưởng của các hình thế này, thời tiết trong tỉnh An Giang phổ biến mây thay đổi, ngày nắng có lúc gián đoạn, có mưa ở diện vài nơi đến rải rác, tập trung vào chiều tối. Tổng lượng mưa trung bình trên toàn tỉnh từ ngày 10 đến 20/5 đạt 31,2mm.

Theo ông Ninh, những ngày tới, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 14-17 độ vĩ Bắc hoạt động mạnh, sau nâng trục nhẹ lên phía Bắc trong những ngày cuối tháng 5/2022. Trên cao, gió mùa Tây Nam chi phối khu vực lên đến độ cao 6.000m, có cường độ trung bình đến mạnh. Do đó, thời tiết trong tỉnh có mây thay đổi, có mưa rào vài nơi đến rải rác, có nơi có mưa vừa và giông. Cần đề phòng những ngày xuất hiện mưa ở diện nhiều nơi, nơi có mưa vừa, mưa to và giông.

Thời điểm tháng 5 và tháng 6/2022, lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (đạt trung bình từ 30-70mm), trong khi nhiệt độ trung bình thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (cao nhất 33-350C, thấp nhất 24-250C, trung bình 28-290C).

Thời tiết mùa mưa kèm giông, lốc, sét, gió giật mạnh có thể tiếp tục gây thiệt hại nhà cửa, công trình, diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân. Chính quyền địa phương cần thường xuyên theo dõi bản tin cảnh báo thời tiết, thủy văn để hướng dẫn, hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời.

-HOÀNG XUÂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/de-phong-nguy-hiem-mua-mua-a334302.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: