Đảm bảo các phương tiện và lực lượng tại chỗ để thực hiện tốt công tác PCTT

Đăng ngày: 17-07-2019 | Lượt xem: 1236
Ngày 17/7 tại Vĩnh Phúc, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), do đồng chí Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Ủy viên Ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Tham gia cùng đoàn công tác, có đồng chí Hoàng Đức Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống lụt bão, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Bộ Công an. Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Trần Thanh Hải – Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, cùng các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN.

1C6A9770
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Việt

Tại buổi làm việc, thay mặt Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Đức Sinh – Chánh văn phòng Ban chỉ huy đã báo cáo tóm tắt kết quả triển khai công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Báo cáo nêu rõ, ngay từ đầu năm 2019, Vĩnh Phúc đã tập trung kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; đồng thời rà soát, bổ sung vật tư phòng chống lụt bão, đảm bảo đáp ứng yêu cầu theo phương châm tại chỗ; đồng thời xây dựng phương án ứng phó với ngập lụt hạ du các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, giao UBND cấp huyện, thành phố xây dựng phương án di dân cụ thể trên địa bàn theo từng kịch bản ngập lụt; Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều và các công trình phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ, từ đó xác định được các trọng điểm xung yếu cấp tỉnh, cấp huyện; Đối với các hồ chứa, tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch ứng phó trong trường hợp khẩn cấp hồ Xạ Hương và Thanh Lanh; Đối với công tác phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên theo phương án chỉ huy tại chố, giao chỉ tiêu nhân lực cho từng đơn vị, địa phương trong kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2019 theo phương án nhân lực tại chỗ, trong đó nhân lực chủ yếu là các tổ tuần tra canh gác đê, lực lượng xung kích dân quân tự vệ, các đoàn viên thanh niên, lực lượng quân đội đóng trên địa bàn và lực lượng của các doanh nghiệp do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hợp đồng theo quy định; nguồn vật tư tại chỗ gồm có nguồn dự trữ do tỉnh quản lý và nguồn do cấp xã tự mua sắm theo chỉ tiêu được giao; cùng với đó là hậu cần tại chỗ; Đối với công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, tỉnh đã thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai công tác phòng chống, ứng phó, từ đó đưa ra các chỉ đạo kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ cho các địa phương, đơn vị bị ảnh hưởng…
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ – CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ, Chỉ thị 19/CT – TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ với công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất được UBND tỉnh kiện toàn bộ máy phòng chống thiên tai các cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực, đào tạo, tập huấn phòng chống thiên tai…; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng; đẩy mạnh bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản, không để xảy ra sạt lở bờ sông; ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tăng cường thông tin truyền thông về thiên tai và các kỹ năng ứng phó, phòng ngừa ứng phó mưa lũ, sạt lở đất; cắm biển cảnh báo đến từng khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề xuất kiến nghị: Bộ TN&MT bổ sung cho tỉnh thêm một số Trạm đo thủy văn, Trạm đo mưa tự động tại các Hạt quản lý đê; Bộ NNPTNT sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 94/2014/NĐ – CP về thành lập và quản lý quý phòng chống thiên tai dể tháo gỡ khó khăn trong công tác thu chi Quỹ tại đại phương.

1c6a9706
Đại biểu tham gia thảo luận tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Việt

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nhiều ý kiến nhấn mạnh: Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp tỉnh Vĩnh Phúc cần củng cố lực lượng xung kích điạ phương; tăng cường hơn nữa đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa. Đối với công tác hiệp đồng trong phòng chống thiên tai: cần cụ thể hóa hơn nữa về lực lượng và phương tiện đối với các vùng trọng điểm, đặc biệt là công tác chuẩn bị lực lượng ứng cứu. Đối với các điểm du lịch, cần được rà soát kỹ lưỡng các khu vực nhạy cảm về thiên tai; rút kinh nghiệm ở các khu đô thị lớn, Vĩnh phúc cần đánh giá căn cơ những nguyên nhân về việc lượng mưa bất thường, để có những giải pháp khắc phục; mặt khác hoàn lưu bão sẽ ảnh hưởng và có những thiệt hại đáng kể, do đó cần sẵn sàng lực lượng xung kích cơ sở….

1C6A9756
Đồng chí Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Đức Việt

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đãđánh giá cao và ghi nhận kết quả trong công tác phòng chống thiên tai của Vĩnh Phúc thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh: mặc dù Vĩnh Phúc là tỉnh có tần suất thiên tai thì ít, nhưng yếu tố tồn tại, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét thì rất cao, trên cơ sở đó Vĩnh Phúc cần xây dựng các kế hoạch hết sức cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, để có phương án ứng phó chi tiết; đồng thời Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh, cũng như các cấp các ngành trên địa bàn cần tiếp tục triển khai và tăng cường phòng ngừa trong thời gian tới, cùng với việc phát huy những mặt đã thực hiện được, từng bước tháo gỡ những khó khăn.
Về công tác an toàn hồ chứa, đồng chí Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị: các cấp các ngành, các địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc cần huy động tối đa các nguồn lực để duy trì và đảm bảo; tăng cường đảm bảo các phương tiện và lực lượng tại chỗ; riêng những đề xuất, kiến nghị của tỉnh thì các cơ quan chuyên môn của Trung ương, phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ cung cấp cho các huyện của Vĩnh Phúc một số trạm đo mưa tự động, cũng như trạm giông sét, trên cơ sở rà soát tránh đầu tư tập trung, chồng chéo; đồng thời cùng với tỉnh có những giải pháp cụ thể để từng bước tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo công tác PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt hiệu quả cao.

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ đi thực địa kiểm tra một số điểm xung yếu trên địa bàn. Theo kế hoạch, ngày 18/7, Đoàn công tác sẽ tiếp tục kiểm tra công tác PCTT&TKCN tại tỉnh Phú Thọ, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong các bản tin tiếp theo.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: