Đắk Lắk chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão

Đăng ngày: 15-05-2023 | Lượt xem: 1588
Mùa mưa tại tỉnh Đắk Lắk thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm và thường gây lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở. Hiện nay, thời tiết trên địa bàn đang trong giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, thường xảy ra một số loại hình thiên tai như dông, sét, lốc tố.

Nhiều nhà dân ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk bị ngập do mưa lũ. Ảnh tư liệu: Tuấn Anh/TTXVN

Nhiều nhà dân ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk bị ngập do mưa lũ. Ảnh tư liệu: Tuấn Anh/TTXVN

Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh xảy ra trong thời kỳ chuyển mùa và đầu mùa mưa, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk ban hành văn bản đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho người dân. Các huyện chỉ đạo, kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện của địa phương, lưu ý những khu vực đông người, khu du lịch và cắt tỉa cây xanh trong đô thị; chuẩn bị vật tư, phương tiện phục vụ phòng, chống thiên tai, củng cố lực lượng xung kích tại cơ sở, sẵn sàng huy động giúp dân khắc phục hậu quả; hướng dẫn bà con các biện pháp trú, tránh, gia cố nhà ở, che chắn bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi để giảm thiểu thiệt hại.

UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản tăng cường quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình liên quan đến đê điều xong trước mùa lũ, bão; phương án bảo đảm an toàn công trình; kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều; xây dựng, triển khai phương án hộ đê đối với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm. UBND tỉnh giao UBND các huyện Krông Ana, Krông Pắk, Lắk và Krông Bông hoàn thành công tác tu bổ, duy tu, bảo dưỡng đê điều và công trình đang thi công có liên quan đến đê, điều; đảm bảo an toàn các cống dưới đê và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê trong lũ, bão…

Để ứng phó với tình hình thời tiết, thiên tai dự báo diễn biến phức tạp và khó lường trong mùa mưa bão, UBND Đắk Lắk đã xây dựng phương án ứng phó với từng loại thiên tai điển hình ở các cấp độ rủi ro khác nhau. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" và nguyên tắc "phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả". Tất cả cán bộ, chính quyền địa phương các cấp trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai được tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ về công tác phòng, chống thiên tai. Chính quyền các cấp tuyên truyền phổ biến đến các ngành và nhân dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm về phòng, chống thiên tai.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nguyễn Hoài Dương, công tác phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính; tăng cường vai trò của cộng đồng dân cư, chính quyền cấp cơ sở trong việc tổ chức phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Cùng với đó, tăng cường vai trò của cộng đồng dân cư, chính quyền cấp cơ sở trong việc tổ chức phòng ngừa, ứng phó thiên tai; làm tốt công tác dự báo tình hình thiên tai, chỉ huy có kinh nghiệm, điều hành ứng phó kịp thời, ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp, giảm thiểu thiệt hại.

Năm 2022, tỉnh Đắk Lắk xảy ra 16 vụ thiên tai, làm 1 người chết, gây thiệt hại về sản xuất và tài sản gần 243 tỷ đồng. Bốn tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 4 đợt thiên tai, làm hư hỏng 110 nhà dân, 3 điểm trường và gần 700 ha cây trồng bị ảnh hưởng.

Hoài Thu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/dak-lak-chu-dong-ung-pho-voi-thien-tai-trong-mua-mua-bao-20230515125408711.htm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: