Cuộc sống mới của người Sa Ná sau trận đại hồng thủy

Đăng ngày: 07-01-2020 | Lượt xem: 1422
7h sáng 3/8/2019, mưa lớn kéo dài, hai cơn lũ dữ bất ngờ kéo về trong phút chốc đã cuốn trôi 21 nóc nhà ở Sa Ná, khiến 10 người chết. Bản nghèo bình yên tan hoang. Tuy nhiên sau 4 tháng, Sa Ná đang hồi sinh.

Anh Hà Văn Vân đứng trước ngôi nhà mới. Ảnh: Ngọc Hưng

Niềm vui nhà mới, bản mới

Dẫn chúng tôi đến thăm bản tái định cư (TĐC) của 51 hộ dân bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa), ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, từ lúc xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, không đêm nào ông thôi nghĩ về bà con Sa Ná. Ông Đạt bảo, chỉ đến ngày 51 hộ dân trong Sa Ná đã vào nhà ở ông mới yên tâm. Theo ông Đạt, Sa Ná mới có diện tích khoảng gần 6ha, bố trí, sắp xếp cho 51 hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Khu TĐC được quy hoạch đường bàn cờ, bê tông hóa, mỗi hộ được giao 240m2 thiết kế theo mẫu chung, hộ nào có điều kiện thì làm nhà sàn truyền thống. Về chính sách hỗ trợ bà con dân bản Sa Ná, đối với nhà bị thiệt hại từ 70% đến 100% được hỗ trợ 300 triệu đồng; nhà bị thiệt hại từ 50 đến 70% được hỗ trợ 200 triệu đồng, còn nhà bị thiệt hại từ 30 đến 50% thì được hỗ trợ 150 triệu đồng. Sau hơn 3 tháng nỗ lực thi công, đến ngày 29/11/2019, được sự trợ giúp, hỗ trợ của các cấp chính quyền, 51 hộ dân bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ đã TĐC.

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà hãy còn thơm mùi vôi mới, ông Lương Văn Mơ xúc động: "Sau lũ, gia đình mất mát nhiều thứ, trong đó có cả căn nhà. Nghĩ rằng không biết bao giờ mới dựng lại được căn nhà ấm cúng như khi xưa, nhưng may mắn của gia đình cũng như bà con Sa Ná là được các cấp ngành, các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện quan tâm, giúp đỡ giờ đây gia đình đã có nhà mới lại ở một nơi hoàn toàn mới. Nơi ở này cao ráo, không gần suối Son, không lo lũ ập đến bất ngờ như đận tháng 8".

Chung niềm vui của bản làng, anh Ngân Văn Thiên hạnh phúc lau chùi đồ đạc vừa sắm sửa nơi chợ huyện trong căn nhà mới. Sau lũ, anh Thiên không còn nhà, phải đi ở nhờ với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cuối tháng 11/2019, gia đình anh đã chính thức chuyển nơi ở mới. Anh Thiên rất vui khi nơi TĐC mới được các cơ quan có chức năng thẩm định, là chỗ ở an toàn cho bà con Sa Ná. Giờ đây, bão lũ cũng không làm anh Thiên phải lo lắng vì nhà anh cũng được hỗ trợ để xây dựng kiên cố. Anh Thiên cho biết: "Nghĩ về trận lũ lịch sử ấy tôi vẫn còn hãi hùng. Sau lũ tôi không còn gì nhưng không đơn độc vì đã có các cấp ngành, bà con, các Mạnh Thường quân. Giờ có nhà mới rồi, chúng tôi yên tâm làm ăn, sớm ổn định lại cuộc sống, nguôi ngoai đi nỗi đau trong ngày kinh hoàng".

Niềm vui của ông Mơ, anh Thiên cũng là sự phấn khởi chung của bà con Sa Ná. Còn đối với ông Lương Văn Chon thì niềm vui ấy nhân lên gấp bội. Ông Chon là người may mắn thoát chết sau khi bấu víu trên một cành cây suốt nhiều giờ đồng hồ. Ông Chon đã được anh Phạm Bá Huy cứu sống. Ông Chon bảo: "Nhờ có anh Huy cứu sống mà giờ tôi mới có cơ may được sinh lại lần nữa, hạnh phúc hơn khi tận mắt chứng kiến cuộc sống mới của bản làng sau lũ dữ. Nhà của tôi bị trôi sau con lũ đã được dựng lại, giờ đây, tôi sẽ tính kế sinh nhai mới…nói chung với tôi cuộc sống nơi TĐC như thể trong mơ vậy!…".

Cuộc sống mới…

Khu tái định cư của người dân Sa Ná.

Hơi ấm của đống lửa từ căn bếp của anh Hà Văn Vân làm chúng tôi ấm lại trong tiết trời lạnh giá của vùng cao. Sau đợt lũ kinh hoàng hồi tháng 8, anh Vân là người đàn ông đau khổ nhất trong bản, người cùng lúc mất 6 người thân trong trận lũ dữ gồm: Bố, mẹ, chị gái, vợ và 2 con. Ấy nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ từ các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, bà con nhân dân trong bản, anh Vân đã gượng dậy. Anh Vân bảo "Mình dựng nhà để ban thờ vợ con, bố mẹ được ấm cúng, không còn lo bão lũ. Cũng bởi sự quan tâm của các cấp chính quyền mà căn nhà liền kề tái định cư của tôi được đặt ở vị trí gần nhà văn hóa. Mọi người bảo, ở vị trí đông vui này tôi sẽ bớt cô quạnh. Ông Chủ tịch huyện cũng tặng riêng tôi chiếc điện thoại. Là lãnh đạo nhưng ông thường xuyên gọi thăm hỏi, động viên. Quý lắm!". Trong căn nhà ấm cúng bởi ngày ngày có người dân, cán bộ đến hỏi thăm anh Vân hứa với các cấp lãnh đạo sẽ gắng gượng, tìm phương kế làm ăn mới.

Con đường trong bản Sa Ná giờ đây hoàn toàn khác so với hồi tháng 8/2019 mà chúng tôi đã từng ghé qua. Thay lớp bùn cũ sau cơn lũ, con đường đến Sa Ná giờ được làm khang trang, sạch đẹp. Những lùm tre, đồi luồng đang vươn mình xanh tốt, nếp nhà thơm mùi hương khói. Các hạng mục như nhà ở, nhà văn hóa, điện, nước, trường, trạm... đã cơ bản hoàn thành đón người dân về ở. Thế nhưng để no ấm còn đó bộn bề những lo toan. Đó là công tác khôi phục sản xuất, thủy lợi. Nếu không giải quyết được 2 nhiệm vụ cốt cán trên thì bản đẹp mà dân đói cũng bằng không. Theo ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, phương án chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ giống là ưu tiên. Bên cạnh đó, là hệ thống kênh mương thủy lợi phải đầu tư lại, phải có một đập chứa nước phục vụ tưới tiêu…

Rời Sa Ná trong tiết trời nhá nhem, những ngôi nhà đã lên đèn sáng quắc. Một chòm bản mới sáng rực phía bên kia con suối Son, sau lưng tôi cho cảm giác ấm lòng. Cuộc sống mới đã bắt đầu với bà con Sa Ná.

Theo giadinh.net.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: