Chủ động trang bị kiến thức: Giải pháp ứng phó với các loại hình thiên tai

Đăng ngày: 09-05-2023 | Lượt xem: 1538
Trong thời gian gần đây, thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, đặc biệt, dông lốc, sét và mưa đá xảy ra ở hầu khắp các vùng miền trên cả nước gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Ảnh hưởng của dông lốc gây thiệt hại nhà ở của người dân (Ảnh: B.T)

Ảnh hưởng của dông lốc gây thiệt hại nhà ở của người dân (Ảnh: B.T)

Trong thời gian chuyển mùa, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: dông, lốc, sét và mưa đá xảy ra với cấp độ mạnh và phạm vi rộng. Thực tế cho thấy, đây là các loại hình thiên tai xảy ra với mức độ thường xuyên trên nước ta và gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Cập nhật của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai sáng 9/5 cho biết, tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, từ ngày 7-8/5/2023, mưa dông, lốc, mưa đá và gió giật mạnh đã làm 1 người mất tích do chìm thuyền nan trên biển (tỉnh Quảng Bình).

Về nhà, 1.666 nhà tốc mái, hư hỏng (Lào Cai 204 nhà; Yên Bái 14 nhà; Hà Giang 27 nhà; Cao Bằng 798 nhà; Tuyên Quang 88 nhà; Thái Nguyên 175 nhà; Nghệ An 168 nhà; Quảng Trị 101 nhà; Bình Thuận 2 nhà; Đắk Lắk 84 nhà; Đồng Nai 5 nhà).

Về nông nghiệp, 8.785 ha lúa, hoa màu thiệt hại (Lào Cai 11,3ha; Yên Bái 31,6ha; Hà Giang 5,5ha; Cao Bằng 409ha; Tuyên Quang 30,3ha; Thái Nguyên 305,6ha; Nghệ An 518,4ha; Quảng Bình 7.015,7ha; Quảng Trị 432,8ha; Bình Thuận 25ha); 1.100 tấn sầu riêng thiệt hại (Bình Thuận 1.000 tấn; Đồng Nai 100 tấn). Ngoài ra, ảnh hưởng các loại hình thiên tai trên còn làm 18 con gia súc chết (Hà Giang 16; Thái Nguyên 2); 1.045m mương bị sạt lở (Lào Cai 1.005m; Thái Nguyên 40m); 3 tàu chìm, hư hỏng (Quảng Trị 2; Thừa Thiên Huế 1).

Để phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai trên gây ra, chúng ta cần hiểu về cơ chế hình thành và phạm vi ảnh hưởng của các loại hình thiên tai này.

Riêng về lốc xoáy, là hiện tượng thời tiết cực đoan thường xảy ra vào khoảng các tháng 3, 4, 5. Lốc xoáy thường phát triển từ một cơn dông, thường từ ổ dông rất mạnh, nên ở đâu có dông dữ dội là ở đó có thể có lốc xoáy. Lốc xoáy cũng có khi sinh ra từ một dải gió giật mạnh hay từ một cơn bão.

Tuy nhiên, phần lớn lốc xoáy được hình thành từ một dạng mây dông, đặc biệt là mây dông tích điện. Một đám mây có thể kéo dài trong vài giờ, xoáy tròn trong vùng có đường kính từ 10 đến 16km, di chuyển hàng trăm dặm và sinh ra vô số ống hút khổng lồ. Nguồn gốc của chúng là vùng khí hậu có luồng khí nóng đi lên và luồng khí lạnh đi xuống.

Nếu lốc xoáy quét qua nhà, mọi người cần chạy xuống hầm để tránh, hoặc tìm vật gì đó che đầu cẩn thận. Một số chuyên gia cho rằng mọi người nên trú ẩn tại các tòa nhà kiên cố, không nên ở nhà tạm hoặc dưới bóng cây. Nếu ở ngoài đường, mọi người nên chui xuống rãnh hoặc mương và che đầu.

Đối với mưa đá, vào mùa nóng ẩm, nắng gay gắt, hàm lượng hơi nước trong không khí rất cao. Khí quyển ở tầng thấp nhận được nhiều nhiệt năng sẽ nóng lên, hình thành cột không khí dưới nóng trên lạnh, không ổn định. Lúc này hiện tượng đối lưu mãnh liệt phát sinh, tạo ra những đám mây vũ tích có khả năng gây mưa đá.

Đồng thời dòng khí đi lên trong đám mây cũng rất mạnh, đủ để nâng đỡ những hạt băng lớn hình thành và lớn dần lên trong mây, khiến chúng tiếp tục kết hợp với bông tuyết hay giọt nước nhỏ trên đường đi, cuối cùng trở thành cục băng có cấu tạo nhiều lớp trong và đục xen kẽ nhau. Khi cục băng lớn tới một mức độ mà dòng khí đi lên không còn đủ sức nâng đỡ nữa thì sẽ rơi xuống đất, gây ra trận mưa đá.

Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 -10 phút và cũng có thể kéo dài từ 20 - 30 phút.

Hình dạng, kích thước của viên nước đóng băng trong mưa đá thường rất khác nhau, hay gặp nhất là hình cầu, nón, khối đa diện,...; đường kính từ khoảng 0,5mm tới vài ba chục mm; trọng lượng từ vài gam đến vài trăm gam. Mưa đá thường chỉ xảy ra khi có dông, song không phải trong cơn dông nào cũng có mưa đá. Tần suất xuất hiện mưa đá trong cơn dông chỉ vào khoảng 10%.

Mưa đá rơi trong khí quyển với vận tốc rất lớn. Vận tốc rơi tăng tỷ lệ với kích thước, trọng lượng của viên đá và dao động trong khoảng 30 - 60m/s, cá biệt có thể tới 90m/s.

Người dân có thể nhận biết được mưa đá chuẩn bị xảy ra dựa vào một vài đặc điểm như: Ban ngày có dông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời; ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột... Nếu thấy trời nổi dông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, rồi dông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục cần cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó lắc rắc vài hạt mưa rào, chúng ta cảm thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi rất nhanh là lúc mưa đá đã kéo đến. Mọi người cần tìm ngay cho mình chỗ nấp an toàn.

Để ứng phó với loại hình mưa đá, các chuyên gia khuyến cáo, nên thường xuyên theo dõi các thông tin cảnh báo về loại hình tiên tai này; chủ động quan sát các dấu hiệu có thể xảy ra mưa đá. Khi xảy ra mưa đá nhanh chóng tìm nơi ẩn náu như nhà kiên cố, hầm, hang động,…Trường hợp chưa kịp trú ẩn, dùng các vật cứng như: mũ bảo hiểm, cặp sách,…để tránh đá rơi vào đầu. Khi ở trong nhà mái lá, mái ngói, mái pro xi măng nên trú dưới gầm bàn, ghế, giường,…hoặc tìm các vật cứng để che đầu. Khi đang lưu thông trên đường nên dừng xe và đỗ vào lề đường.

Đối với loại hình thiên tai sét, là một nguồn điện từ mạnh phổ biến nhất xảy ra trong tự nhiên. Nguyên nhân làm xuất hiện sét là do sự hình thành các điện tích khối lớn. Nguồn sét chính là các đám mây mưa dông mang điện tích dương và âm ở các phần trên và dưới của đám mây, chúng tạo ra xung quanh đám mây này một điện trường có cường độ lớn.

Sự hình thành các điện tích khối với các cực tính khác nhau trong đám mây (hay còn gọi là sự phân cực của đám mây) có liên quan đến sự ngưng tụ do làm lạnh hơi nước của luồng không khí nóng đi lên, tạo ra các ion dương và âm (các trung tâm ngưng tụ) và liên quan đến cả sự phân chia các giọt nước mang điện trong đám mây dưới tác dụng mạnh của luồng không khí nóng đi lên. Trên mặt đất bên dưới đám mây sẽ tập trung các điện tích trái dấu với ion tập trung bên dưới đám mây.

Theo các chuyên gia, nhà chờ xe buýt và các công trình không có bộ phận chống sét là những mục tiêu dễ bị sét đánh, vì thế mỗi người nên tìm đến một tòa nhà lớn, nơi mà các hệ thống dây điện, ống nước sẽ trực tiếp hấp thụ điện tích của sét.

Nếu gặp sấm sét khi đang ở một khu rừng, hãy tìm vị trí thấp dưới những cây nhỏ để trú ẩn, tránh đứng cạnh những cây cao, vì sét luôn có xu hướng tấn công vào những cây cao nhất.

Nếu đang ở một khoảng đất trống, hãy tìm đến vị trí thấp, như thung lũng hoặc khe núi (nhưng cần cảnh giác với lũ quét). Nếu đang ở trên một chiếc thuyền, hãy tiến vào bờ càng nhanh càng tốt.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới, những loại hình thiên tai trên tiếp tục có khả năng xảy ra. Theo đó, từ ngày 9-11/5, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm/24h, có nơi trên 70mm/24h. Ngoài ra, từ ngày 10/5, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 10-30mm/24h, có nơi trên 50mm/24h. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Những thiệt hại do dông lốc, sét, mưa đá gây ra trong những ngày qua tại nhiều địa phương là không nhỏ. Do đó, người dân ở các địa phương nằm trong khu vực dự báo chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai này cần chú ý để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thực tế, ở nước ta, hàng năm có khoảng 21/22 loại hình thiên tai xảy ra thì việc thường xuyên phải “đối mặt” và chịu tác động từ thiên tai là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề là làm sao chúng ta cần tìm được các biện pháp để kịp thời ứng phó với thiên tai, giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai như dông, lốc, sét, mưa đá – các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại nước ta, thiết nghĩ chúng ta cần luôn trong tâm thế chủ động để ứng phó với các loại hình thiên tai này. Trong đó, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cần được đặt lên hàng đầu, đảm bảo được tính chính xác cao nhất để cung cấp kịp thời các bản tin cảnh báo đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động ứng phó.

Bên cạnh đó, vai trò của công tác truyền thông trong phòng chống thiên tai không kém phần quan trọng. Các thông tin về cảnh báo thiên tai cần được cung cấp nhanh nhất, chính xác nhất đến các cấp chính quyền, người dân. Đặc biệt là vai trò của truyền thông cơ sở để đưa thông tin đến với chính quyền, người dân kịp thời.

Đáng chú ý, nếu trong khả năng có thể thực hiện, trước khi vào mùa thường xảy ra thiên tai, người dân cần xây dựng nhà cửa bằng các vật liệu có tính vững chãi, chắc chắn để tránh dông lốc làm tốc mái, hoặc tiến hành gia cố nhà cửa, đảm bảo tính chịu đựng trước sức gió mạnh để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, khi nắm bắt được các loại hình thiên tai trên sắp diễn ra, có kế hoạch để chủ động bảo vệ cho sản xuất.

Đặc biệt, với tính thất thường, khó lường, đến nhanh, bất ngờ của thiên tai, nhất là với dông, lốc, sét, mưa đá, mỗi người dân cần cập nhật kịp thời các bản tin cảnh báo thiên tai và tự trang bị cho bản thân về kiến thức về phòng, chống các loại hình thiên tai trên, để khi nếu gặp phải những loại hình thiên tai này, nhanh chóng tìm được các giải pháp thích hợp để bảo vệ cho bản thân, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai trên gây ra./.

B.T

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/chu-dong-trang-bi-kien-thuc-giai-phap-ung-pho-voi-cac-loai-hinh-thien-tai-637323.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: