Cấp thiết tu bổ hạ tầng phòng, chống thiên tai

Đăng ngày: 11-08-2020 | Lượt xem: 1337
Chủ động phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ” là giải pháp đặt ra trong bối cảnh thiên tai diễn biến ngày một bất thường hiện nay. Dù vậy, hiện trạng hạ tầng phòng, chống thiên tai trên địa bàn Hà Nội đang đặt ra nhiều mối lo.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, dọc các tuyến sông trên địa bàn TP hiện có 365 điếm canh đê, trong đó có tới 41 điếm cần phải tu sửa để bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đê điều, TP đã đầu tư, xây dựng 17 trụ sở Hạt Quản lý đê tại các địa phương ven sông. Dù vậy, do được xây dựng từ lâu nên nhiều công trình hiện đã xuống cấp. Thời gian qua, TP đã quan tâm, cho phép tu bổ 11 trụ sở. Hiện, vẫn còn 6 Hạt Quản lý đê cần được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Một điếm canh đê ven sông Đáy đoạn qua huyện Hoài Đức đang được xây dựng mới.

Cùng với các điếm canh và Hạt Quản lý đê, để chủ động ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, TP đã xây dựng 73 điểm kho, bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão dọc các tuyến đê, các trọng điểm đê điều xung yếu. Qua thời gian, đến nay, 8 kho, bãi cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu sửa.
Việc nhiều công trình hạ tầng xuống cấp đặt ra bài toán đối với việc chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là trong bối cảnh thời tiết diễn biến cực đoan hiện nay. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, từ đầu năm 2020, TP đã bố trí vốn, giao Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức xây mới 19 điếm canh; 2 trụ sở Hạt Quản lý đê và 6 kho vật tư phòng, chống lụt bão. Dù vậy, vẫn còn nhiều công trình đang bị xuống cấp, cần được TP tiếp tục quan tâm, đầu tư.
Theo ông Sơn, cùng với các công trình nêu trên, TP cũng đang chỉ đạo Sở NN&PTNT Hà Nội hoàn thiện mốc chỉ giới thoát lũ, chỉ giới phạm vi bảo vệ đê, làm cơ sở để tổ chức quản lý. Hiện, các mốc chỉ giới đang được đầu tư trên tuyến sông Đáy, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Trong khi đó, trên các tuyến sông: Đà, Hồng, Đuống, Cầu, Cà Lồ, TP đang cho lập dự án đầu tư; thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2020 - 2022.

Bên cạnh các công trình phòng, chống thiên tai, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, nâng cấp trang thiết bị phục vụ quản lý, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt đến các cấp chỉ huy, chỉ đạo phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều. Đồng thời, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách quản lý đê tại các địa phương...

Theo kinhtedothi.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: