Xây dựng phương án chủ động ứng phó thiên tai

Đăng ngày: 03-06-2020 | Lượt xem: 1557
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), dự báo năm 2020, thiên tai tiếp tục diễn ra khốc liệt và nghiêm trọng hơn, do đó, công tác phòng tránh, nâng cao ý thức phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại là nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương nghiêm túc thực hiện...

Thời gian qua, TP Cần Thơ chịu nhiều thiệt hại do sạt lở bờ sông. Trong ảnh: Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Cần Thơ vào tháng 3-2020, gây thiệt hại nhà cửa, tài sản của người dân địa phương.

Thiên tai diễn biến cực đoan, bất thường

Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai diễn biến cực đoan, bất thường, trên cả nước đã xảy ra 7 đợt giông lốc, mưa đá diện rộng; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực ĐBSCL; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại ĐBSCL. Tính đến hết tháng 4-2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích; trên 44.000 nhà bị sập, hư hại, tốc mái; trên 100.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, cho biết: “Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp PCTT phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương và kêu gọi sự tham gia của nhân dân, của các tổ chức quốc tế nên công tác PCTT đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ thiệt hại cũng được thực hiện khẩn cấp và bám sát thực tiễn, phù hợp với nhu cầu của địa phương. Các cấp chính quyền và nhân dân vùng thiên tai cũng đã chủ động tái thiết, phục hồi nhanh chóng hậu quả, ổn định cuộc sống, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản…”.

Ở TP Cần Thơ, trong 5 tháng đầu năm 2020, đã xảy ra 2 đợt lốc xoáy; 15 điểm sạt lở bờ sông; 1 đợt xâm nhập mặn với độ mặn xâm nhập cao nhất vượt mức cảnh báo vào tháng 2-2020. Ước tổng thiệt hại trên 11,6 tỉ đồng... Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Khi thiên tai xảy ra, các sở, ngành của thành phố và địa phương đã tổ chức ứng phó kịp thời, huy động lực lượng khắc phục hậu quả, giúp người dân bị ảnh hưởng giảm nhẹ tác hại của thiên tai. Thành phố đã hỗ trợ gần 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ PCTT cho người dân bị ảnh hưởng. Hiện Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố tiếp tục rà soát, theo dõi tình hình thiệt hại và tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các quận, huyện để đề xuất UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí từ Quỹ PCTT khắc phục hậu quả cho các địa phương…”.

Xây dựng phương án ứng phó

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, cả nước sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại các sông khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ ở mức báo động 1 và 2, lũ sông Cửu Long về muộn và ở mức báo động 1 và báo động 2. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.

Năm 2019, thiên tai ở nước ta diễn ra không dồn dập và khốc liệt, nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường, khó dự báo, cảnh báo. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng phòng tránh thiệt hại về người và tài sản, nhưng năm 2019 cả nước vẫn chịu nặng nề do thiên tai, với 133 người chết và mất tích; 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và phải di dời; trên 100.000ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy, đổ. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỉ đồng... 

Với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó, lấy phòng, tránh là chính”, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, yêu cầu các cơ quan bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai phương án phòng tránh từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, các địa phương thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, phải rà soát lại phương tiện cứu hộ, cứu nạn, xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương; đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình cấp quốc gia như chương trình nâng cấp đê biển, đê sông, nâng cấp hồ chứa, dự án quan trắc dự báo sạt lở đất, công trình ngăn mặn, công trình hạn chế sạt lở, bảo vệ đê bao và sản xuất, mở rộng hệ thống cảnh báo sóng thần, siêu bão tại các tỉnh ven biển... Các địa phương xây dựng phương án phòng chống thiên tai phải phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng miền, trong đó lấy phòng tránh là chính. Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, TP Cần Thơ kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp ứng phó hạn hán, mưa, lốc xoáy, sạt lở bờ sông; lập phương án chủ động phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân khi mùa mưa, bão sắp đến...

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, đối với các tỉnh, thành khu vực Nam bộ, ĐBSCL cần nhanh chóng rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai tương ứng với các cấp độ rủi ro; có kế hoạch phòng, chống thiên tai cũng như phương án ứng phó với mưa lớn kèm lốc xoáy, sạt lở, bão mạnh và siêu bão. Bên cạnh đó, các địa phương cũng lập phương án kiểm soát tàu thuyền hoạt động trên biển, vùng cửa sông ven biển; đầu tư nâng cấp, bổ sung khu neo đậu tàu thuyền; lập phương án sẵn sàng sơ tán dân, nhất là ở khu vực cửa sông, ven biển để hạn chế thiệt hại về người khi thiên tai xảy ra…

Theo baocantho.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: