Xây dựng kịch bản cảnh báo và ứng phó

Đăng ngày: 30-04-2021 | Lượt xem: 1703
Trận lũ quét đầu mùa trên suối Nậm Liệp, thôn Minh Hạ 1, xã Minh Lương (huyện Văn Bàn, Lào Cai) làm ba người chết và mất tích được xem như lời cảnh báo gay gắt cho một mùa mưa bão lại sắp đến. Những diễn biến thời tiết bất thường do tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi các cấp chức năng đưa ra các giải pháp căn cơ nhằm ngăn ngừa hiệu quả thảm họa từ thiên tai, nhất là ở vùng núi và trũng thấp.

Sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, các yếu tố độ dốc, địa mạo, lượng mưa, địa chất công trình, thảm phủ thực vật rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng là các yếu tố chính. Do đó, để giảm thiệt hại do lũ quét gây sạt lở đất đá, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc, những năm qua, nhiều giải pháp đã được đưa vào áp dụng như thiết kế tường chắn, rọ đá, neo đất, cỏ chống xói mòn cùng hệ thống rãnh thoát nước từ trên đỉnh và bề mặt ta-luy, bên cạnh việc xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất và xác định các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất… Song hiệu quả mà các giải pháp mang lại dường như vẫn chưa được như kỳ vọng. Ðáng nói, đề án "Ðiều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" theo Quyết định 351/QÐ-TTg ngày 27-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra thời hạn đến năm 2020 là xây dựng được bản đồ cho 37 tỉnh, thành phố có nguy cơ trượt lở cao. Nhưng đến nay mới chỉ xây dựng được cho 15 tỉnh, thành phố. Ðề án cũng chỉ mới xây dựng được bản đồ tỷ lệ 1/50.000. Với tỷ lệ này thì trên bản đồ, địa bàn một xã chỉ là một chấm nhỏ; không thể xác định được điểm có nguy cơ trượt lở, cũng như các đối tượng bị tác động để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó. Phải xây dựng đến tỷ lệ 1/500 thì chúng ta mới quản lý được. Ðồng thời, các bản đồ này cũng chưa có khả năng dự báo được thời gian xảy ra trượt, sạt. PGS, TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Khoa học Ðịa chất và Khoáng sản cho biết, trên các bản đồ này khoanh định các diện tích có hiện trạng và nguy cơ trượt lở theo các cấp độ rất cao, cao, trung bình và thấp; phân loại các vị trí trượt lở theo quy mô rất lớn, lớn, trung bình và nhỏ, và theo các kiểu trượt như trượt xoay, trượt nêm, trượt phẳng, trượt hỗn hợp và trượt dạng dòng… Ngoài ra, đề án còn tiến hành điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo trượt lở ở tỷ lệ 1:10.000 cho 200 xã trọng điểm có nguy cơ trượt lở cao, đến nay đã thực hiện được 64 xã. Các kết quả điều tra, đánh giá của Ðề án đã và đang được chuyển giao cho các địa phương và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Trong khi chờ có bản đồ phân vùng cảnh báo thiên tai, làm thế nào để phòng, chống sạt lở đất, lũ quét?

 Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xúc tiến xây dựng, thực hiện Ðề án mới "Ðiều tra, đánh giá xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam" trên phạm vi toàn quốc. Ðề án triển khai bảy nhiệm vụ khoa học và công nghệ cụ thể, trong đó có nghiên cứu thiết kế và xây dựng hệ thống quản lý thông tin - cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét theo thời gian thực... Nói về đề án này, ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Khoa học Ðịa chất và Khoáng sản cho rằng, cần hoạch định các khu vực nhạy cảm. Trong đó, mức độ hoàn thiện các khu vực khác nhau dựa trên từng vùng đã điều tra hiện trạng hay chưa, đã có bản đồ cảnh báo hay chưa. Ðồng thời, chú trọng hướng dẫn cộng đồng, xây dựng kịch bản cảnh báo và ứng phó cụ thể trong từng trường hợp.

Ông Trần Quang Hoài, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh rằng: Quan trọng nhất là, phải gấp rút hoàn thiện Ðề án "Ðiều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam". Cùng đó, tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định và cắm biển cảnh báo khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản, hộ dân, công trình công cộng (nhất là trường học, cơ sở y tế), tuyến đường giao thông, khu sản xuất để chủ động di dời bảo đảm an toàn, hoặc sẵn sàng phương án sơ tán dân khi xảy ra mưa lũ lớn.

Về lâu dài, theo ông Hoài, chúng ta phải di dời, tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống trong những khu vực có nguy cơ trượt lở đã được cảnh báo. Ðể thực hiện điều này thì cần nguồn lực rất lớn; do đó, trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 và kế hoạch ngân sách hằng năm cần ưu tiên bố trí vốn cho công tác này. Ðồng thời, việc tái định cư phải được làm bài bản, trên cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng và ý kiến góp ý của người dân. Như việc tái định cư cho người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa); sau trận lũ quét ngày 3-7-2019, cả bản gần như bị san phẳng. Ðể ổn định cuộc sống cho người dân, một bản tái định cư được lập nên ở nơi cao ráo, các gia đình được bố trí đất canh tác. Mô hình tái thiết tại Sa Ná đang được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nghiên cứu nhân rộng ra toàn quốc.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: