Xâm nhập mặn tiếp tục gia tăng

Đăng ngày: 15-02-2023 | Lượt xem: 3664
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc giảm lượng xả thủy điện ở thượng nguồn sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ khoảng ngày 16/2 đến khoảng nửa đầu tháng 3. Từ đầu tháng 2, xâm nhập mặn bắt đầu tăng đột biến tại ĐBSCL với nồng độ cao và xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm. Đã có 2 kịch bản xâm nhập mặn được xây dựng và các địa phương đang tích cực triển khai hàng loạt biện pháp ứng phó.

Xâm nhập mặn có thể tương đương mốc lịch sử năm 2016

Thông tin cập nhật từ nguồn của Ủy hội sông Mekong Quốc tế cho biết, hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm xả nước xuống hạ du từ ngày 19/1 đến khoảng đầu tháng 2 với lưu lượng còn lại khoảng 650 m3/s (bằng 50% so với thời gian trước).

Đồng ruộng tại Đồng bằng sông Cửu Long nứt nẻ trong hạn mặn. Ảnh: CTV.

Đồng ruộng tại Đồng bằng sông Cửu Long nứt nẻ trong hạn mặn. Ảnh: CTV.

Dự báo, do việc giảm xả trên, phạm vi mặn 4g/lít, vùng các cửa sông Vàm Cỏ Đông sẽ từ 75-80km, Vàm Cỏ Tây từ 75-85km; vùng các cửa sông Cửu Long như Cửa Tiểu từ 50-55km, Cửa Đại từ 48-53km, Hàm Luông 70-73km, Cổ Chiên từ 62-65km, Sông Hậu từ 58-60km.

Để đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn gia tăng, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo, khẩn trương tăng cường theo dõi sát thông tin dự báo xâm nhập mặn của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam).

Đồng thời, khẩn trương thực hiện trữ nước trong hệ thống kênh, rạch, hồ, ao phân tán, vận hành công trình thủy lợi hợp lý để lấy nước, bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng và cả trong mùa khô. Đặc biệt, lưu ý bảo đảm đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt và cây ăn trái. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng các nguồn kinh phí để thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, lưu ý nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục.

Theo Tổng cục Thủy lợi, Biển Hồ Campuchia hiện có lượng trữ khoảng 7,41 tỷ m3, cao hơn trung bình nhiều năm 0,98 tỷ m3. Dự báo dòng chảy từ Biển Hồ tiếp tục điều tiết lưu lượng về Đồng bằng sông Cửu Long đến cuối tháng 2. Về dòng chảy trên dòng chính sông Mekong, đến thời điểm hiện tại các hồ chứa ở Trung Quốc có dung tích trữ còn khoảng 13 tỷ m3, tương đương với 54,7% dung tích hữu ích. Các hồ chứa khác trên lưu vực còn khoảng 53% dung tích hữu ích. Khả năng lượng nước có thể điều tiết cho hạ du trong thời gian còn lại của mùa khô khoảng 34,7 tỷ m3.

Tổng cục Thủy lợi dự báo 2 kịch bản xâm nhập mặn trong thời gian còn lại của mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long. Kịch bản 1 (có khả năng xảy ra cao) là hồ chứa thủy điện thượng nguồn như một số năm gần đây chỉ thực hiện giảm xả đến khoảng giữa tháng 2. Phạm vi xâm nhập mặn 4g/lít ở các cửa sông dự báo sẽ bị tác động như trên. Kịch bản 2 (trường hợp cực đoan, ít có khả năng xảy ra) là hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) duy trì giảm xả đến hết tháng 2 với lưu lượng xả khoảng 650m3/s cùng với việc xả nước muộn ở các hồ chứa khác, dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 2 và tháng 3 giảm khoảng 20% so với kịch bản 1.

Trong trường hợp xảy ra kịch bản 2, mặc dù phạm vi xâm nhập mặn tương đối sâu (có thời điểm tương đương mốc lịch sử năm 2016) nhưng thời gian xâm nhập mặn sâu duy trì không dài ngày. Do các diện tích canh tác lúa vụ Đông Xuân đã được chủ động gieo trồng sớm, đang ở thời kỳ chuẩn bị thu hoạch nên không bị ảnh hưởng, chỉ nguy cơ gây thiếu nước cho khoảng 39.000ha diện tích cây ăn trái tại các tỉnh Tiền Giang 14.871ha, Bến Tre 12.670ha, Long An 6.160ha, Sóc Trăng 3.424ha, Vĩnh Long 1.858ha, Trà Vinh 80ha.

Mùa khô năm 2015-2016, xâm nhập mặn gây thiệt hại 7.900 tỷ đồng.

Mùa khô năm 2015-2016, xâm nhập mặn gây thiệt hại 7.900 tỷ đồng.

Chủ động tích nước cho sinh hoạt và cây trồng

Ngay sau khi nhận được dự báo xâm nhập mặn gia tăng, hàng loạt các tỉnh, TP đã triển khai cấp tốc các biện pháp linh hoạt. Tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; các ngành chức năng và các địa phương vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và đê bao Ô Môn - Xà No phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Với vùng ven biển bị xâm nhập mặn cục bộ do hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng mới thì tập trung gia cố, đắp các đập thời vụ tại các khu vực có khả năng bị nhiễm mặn. UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành công văn, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường theo dõi sát tình hình, đồng thời khẩn trương thực hiện việc trữ nước ngọt, vận hành công trình thủy lợi hợp lý nhằm bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn và cả trong mùa khô.

Trong khi đó, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đã chủ động đóng cống ngăn mặn để đảm bảo sản xuất ổn định cho người dân. Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre đã đưa ra khuyến cáo với các địa phương cần theo dõi và kiểm tra độ mặn thường xuyên tại các cống đầu mối để có kế hoạch đóng mở cống hợp lý. Tỉnh Bến Tre đóng cống ngăn mặn để bảo vệ sản xuất nông nghiệp…

Theo các chuyên gia về phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu, nguyên nhân chính gây ra xâm nhập mặn đối với Đồng bằng sông Cửu Long là vào các năm có thời tiết, khí hậu cực đoan, cường độ cực đoan càng mạnh, thời gian cực đoan càng kéo dài, không gian cực đoan càng mở rộng, thiệt hại kinh tế - môi trường càng lớn. Ngoài nguyên nhân chính, còn có các nguyên nhân khác tham gia tạo xâm nhập mặn tại khu vực trên như hiện tượng nóng lên toàn cầu tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu.

PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, khuyến cáo: “Xâm nhập mặn bất thường có thể xảy ra do vận hành thủy điện. Ðể đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, các địa phương cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó, chủ động tích nước cho sinh hoạt và cây trồng cạn, tích trữ nước trong các hệ thống kênh rạch trước các kỳ mặn lên cao. Song song đó là tăng cường công tác giám sát mặn, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với các diễn biến nguồn nước...”

Chi Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/xam-nhap-man-tiep-tuc-gia-tang-i683547/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: