Vi phạm đê điều - nỗi lo mùa mưa lũ

Đăng ngày: 15-07-2020 | Lượt xem: 1998
Hiện tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng diễn biến phức tạp ở các địa phương khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Đáng lo ngại hơn là thời điểm hiện nay đã bước vào mùa mưa lũ, các tuyến đê liệu có bảo đảm an toàn và phát huy được vai trò trong phòng, chống lũ, bão?

Vi phạm kéo dài

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) cho hay: Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nhất là vùng đê đi qua khu đô thị, khu dân cư. Vi phạm phổ biến nhất là tình trạng xe quá tải trọng (nhất là xe tải trọng từ 20-30 tấn) đi trên đê; trong khi đó, phần lớn đê hiện nay dù đã được đầu tư nâng cấp cũng chỉ chịu được tải trọng tối đa 12 tấn. Tình trạng này kéo dài sẽ gây hư hỏng, ảnh hưởng tới an toàn đê và phòng, chống lũ lụt.

Không chỉ tình trạng xe quả tải chạy trên các tuyến đê; tình trạng vi phạm hành lang đê cũng diễn biến rất phức tạp, nhất là một số doanh nghiệp, cá nhân xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng, thậm chí san lấp tạo thành các khu tái định cư, giãn dân. Điển hình ở các huyện Văn Giang, Kim Động, tỉnh Hưng Yên, có những chỗ san lấp bãi sông với diện tích tới 20ha. Tình trạng vi phạm đê điều kéo dài lâu nay là do các địa phương xử lý thiếu kiên quyết ngay khi phát sinh dẫn đến ngày càng khó xử lý; thậm chí, có địa phương còn che giấu các sai phạm. Việc chậm xử lý, hoặc xử lý thiếu kiên quyết đã khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có động cơ gì sau câu chuyện đó ở các địa phương?!

.

Xe quá tải chạy trên tuyến đê hữu sông Chu (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: PHẠM ĐỨC LUẬN

Ông Vũ Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống Thiên tai (PCTT) cho hay, 21 tỉnh, thành phố phía Bắc và Bắc Trung Bộ có 9.078km đê; trong đó có 2.726km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt. Tuy nhiên, hiện hệ thống đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt vẫn còn 230 trọng điểm xung yếu; 399km đê còn thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt nhỏ hẹp; 459 cống cũ và 158km kè hư hỏng, xung yếu; một số nơi công tác quản lý, bảo vệ đê điều còn hạn chế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Trong những năm gần đây, các hình thái thiên tai xảy ra ở Việt Nam ngày càng khốc liệt và diễn biến khó lường. Thiên tai gây thiệt hại cho Việt Nam bình quân mỗi năm khoảng 1,5% GDP và khoảng 300 người thiệt mạng. Trong khi đó, Đồng bằng sông Hồng nhiều năm chưa từng xảy ra lũ lớn nên dễ nảy sinh tâm lý chủ quan ở chính quyền các cấp các địa phương và người dân trong công tác ứng phó lũ, bão. Hệ thống đê phần lớn chưa được “thử sức” với nước lũ và biến đổi khí hậu nên rất dễ xảy ra những tình huống ngoài dự đoán. Trong khi đó, khoảng 7.400 vụ vi phạm về đê điều chưa bị xử lý triệt để càng khiến chúng tôi lo lắng; nhất là số vụ vi phạm đê ngày càng tăng và không có xu hướng giảm".

Xử lý không nghiêm sẽ khó bảo đảm an toàn

Ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục PCTT) đề nghị, các địa phương kiên quyết xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì xử lý hình sự. Cùng với đó, để quản lý đê điều hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng vi phạm, cơ quan chức năng tại các địa phương phải thường xuyên kiểm tra đột xuất hệ thống đê điều.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Thách thức lớn nhất là công tác bảo đảm an toàn cho một số tuyến đê bị xuống cấp nghiêm trọng, lún, sụt, sạt trượt hiện nay. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị chủ tịch UBND các huyện thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác quản lý đê điều đã được pháp luật quy định. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho thường vụ huyện ủy triển khai và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; nhất là các nội dung đối với vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ về công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ chứa. Vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung cần nâng cao năng lực ứng phó lũ lớn, bão mạnh và siêu bão, sạt lở bờ biển. Vùng Tây Nguyên bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đối với vùng Nam Bộ, cần chủ động ứng phó, thích ứng với lũ lớn, hạn hán, mặn xâm nhập, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất…

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho rằng, việc nâng cao ý thức của người dân và cả lãnh đạo chính quyền trong việc bảo đảm an toàn đê điều là quan trọng nhất. Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để xử lý các trường hợp vi phạm đê điều nghiêm trọng, nhằm răn đe, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần bảo đảm an toàn các tuyến đê, phòng, chống lũ lụt hiệu quả.

Theo qdnd.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: