Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Đăng ngày: 07-03-2023 | Lượt xem: 1805
Ngày 7/3, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng công an nhân dân năm 2022; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ đạo) Bộ Công an chủ trì. Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì.

Đại tá Thân Văn Duy chủ trì ở điểm cầu Bắc Giang.

Đại tá Thân Văn Duy chủ trì ở điểm cầu Bắc Giang.

Năm 2022 thiên tai xảy ra ở hầu hết các vùng, miền của cả nước gây tổn thất nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống và sản xuất của nhân dân.

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Đảng ủy Bộ Công an, Ban Chỉ đạo của Bộ đã quan tâm chỉ đạo lực lượng công an phát huy vai trò nòng cốt, xung kích.

Các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, tổ chức tìm kiếm cứu nạn.

Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn. Lực lượng công an nhân dân và các cơ quan, ban, ngành phối hợp chặt chẽ phòng, chống thiên tai, tổ chức tìm kiếm cứu nạn.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận sâu về kết quả, thuận lợi, khó khăn khi triển khai công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; bài học kinh nghiệm trong tổ chức tìm kiếm cứu nạn từ vụ bé Nguyễn Hạo Nam ở tỉnh Đồng Tháp bị rơi xuống trụ bê tông sâu 35 mét dẫn đến tử vong.

Các đại biểu dự ở điểm cầu Bắc Giang.

Các đại biểu dự ở điểm cầu Bắc Giang.

Tại Bắc Giang, căn cứ chỉ đạo của Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án và triển khai đến các đồn, đội, công an xã, phường, thị trấn. Chủ động chuẩn bị đầy đủ vật tư cần thiết phục vụ công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kịp thời điều động phương tiện, lực lượng tổ chức chữa cháy, cứu nạn có hiệu quả 17 vụ cháy, 14 vụ tai nạn; tìm kiếm được 11 thi thể nạn nhân, giảm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Cảnh sát môi trường chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý 273 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, khởi tố 9 vụ 21 bị can; xử phạt hành chính, thu nộp ngân sách hơn 7,34 tỷ đồng.

Dù đạt nhiều kết quả trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự song lực lượng công an còn gặp một số khó khăn như: Thiên tai diễn biến phức tạp song nguồn lực ứng phó hạn chế; lực lượng cán bộ làm công tác này chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Kinh phí, phương tiện, vật tư trang thiết bị chưa được bổ sung thường xuyên, còn thiếu về số lượng, tính năng còn hạn chế.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến nhấn mạnh thời gian tới, dự báo tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân. Vì vậy đòi hỏi công an các địa phương cần tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của T.Ư, Chính phủ và văn bản quy phạm pháp luật.

Công an các đơn vị, địa phương xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, chủ động phương án kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện bảo đảm ứng phó với tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Công an cơ sở nắm hộ, nắm người, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giải quyết tình huống phát sinh ngay tại cơ sở.

Kịp thời phối hợp với các đơn vị phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản, vi phạm đê điều, đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng, hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông trái phép.

Ngoài ra, các địa phương ưu tiên bố trí kinh phí, trang cấp, bổ sung phương tiện, vật tự phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ; đồng thời quan tâm thực hiện chế độ, chính sách, kịp thời biểu dương, khen thưởng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia tuyến đầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn.

Tin, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/400620/tiep-tuc-phat-huy-vai-tro-nong-cot-cua-luc-luong-cong-an-trong-pho-ng-cho-ng-thien-tai-ti-m-kie-m-cu-u-na-n.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: