Tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ

Đăng ngày: 29-09-2023 | Lượt xem: 1324
Những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Dự báo, những ngày tới còn có thể xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ, ngập sâu tại vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.

Lực lượng công an, bộ đội huyện Quỳ Châu (Nghệ An) giúp vệ sinh môi trường sau lũ tại điểm Trường mầm non Tà Sỏi, xã Châu Hạnh.

Lực lượng công an, bộ đội huyện Quỳ Châu (Nghệ An) giúp vệ sinh môi trường sau lũ tại điểm Trường mầm non Tà Sỏi, xã Châu Hạnh.

Trước tình hình đó, ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 898/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời, các địa phương cũng quyết liệt chỉ đạo, tập trung ứng phó mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra.

Mưa lũ gây thiệt hại

Theo Cục Thủy lợi, tính đến 17 giờ ngày 28/9, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn hơn 819.000 ha lúa mùa chưa thu hoạch. Mưa lớn những ngày qua đã làm ngập úng hơn 30.600 ha lúa, hoa màu ở các địa phương như: Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa…

Hiện nay, các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi khu vực Bắc Bộ đang vận hành 203 trạm/990 máy bơm và 52 cống tiêu; khu vực Bắc Trung Bộ đang vận hành 29 trạm bơm tiêu nhằm tiêu thoát nước cứu lúa và hoa màu.

Theo Cục Thủy lợi, tính đến 17 giờ ngày 28/9, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn hơn 819.000 ha lúa mùa chưa thu hoạch. Mưa lớn những ngày qua đã làm ngập úng hơn 30.600 ha lúa, hoa màu ở các địa phương như: Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa…

Ngày 28/9, Cục Thủy lợi đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra tình hình vận hành công trình thủy lợi phòng chống lụt, ngập úng và bảo đảm sản xuất nông nghiệp và công trình tại hệ thống công trình thủy lợi Bắc Nam Hà; đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa, ngập lụt để vận hành công trình thủy lợi bảo đảm sản xuất nông nghiệp và an toàn công trình.

Tại tỉnh Sơn La, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, đá tại nhiều xã, gây thiệt hại về người và tài sản. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La: vào khoảng 7 giờ 15 phút ngày 28/9, tại bản Đung, xã Mường Lang, huyện Phù Yên đã xảy ra sạt lở đất làm ba người mất tích. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, thông tin từ Ủy ban nhân dân xã Mường Lang cho biết đã tìm thấy một thi thể nạn nhân tại khu vực suối gần Phân trại K2, Trại giam Yên Hạ, hiện chưa xác định được danh tính.

Tại xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu, mưa lớn đã làm sạt lở đất đá vào nhà của bốn hộ dân và sụt lún nhà của một hộ dân tại xã Hua Păng; gây ngập đường giao thông từ xã Đông Sang đi bản Co Sung, Chăm Cháy.

Tại tỉnh Lào Cai, mưa lớn đã làm sạt lở Quốc lộ 4D và nhiều tuyến tỉnh lộ, gây ách tắc giao thông cục bộ ở thị xã Sa Pa và nhiều nơi khác trong tỉnh. Trên Quốc lộ 4D, sạt lở tại 2 điểm: Km109+300 (thuộc phường Hàm Rồng) bị sạt lở ta-luy dương, khoảng 500m3 đất đá vùi lấp mặt đường; Km100+300 (thuộc phường Phan Si Păng) bị sạt lở ta-luy dương, việc lưu thông khó khăn, nguy cơ mất an toàn cao.

Tuyến đường từ ngã ba Tỉnh lộ 152 xuống trung tâm xã Bản Hồ bị sạt lở tại Km20+800, với khối lượng khoảng 100m3 đất đá vùi lấp hoàn toàn mặt đường, gây ách tắc giao thông cục bộ... Về sản xuất nông nghiệp, có 150 ha lúa, ngô, sắn và 16 con gia súc (bò, dê) của người dân bị vùi lấp, cuốn trôi. Tổng thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng.

Từ ngày 26 đến 27/9, địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to liên tục, nước lũ dâng cao, nhiều địa phương bị ngập, trong đó huyện Quỳ Châu là “tâm lụt” của tỉnh. Quỳ Châu bị thiệt hại nặng nề nhất khi toàn huyện có hơn 1.200 ngôi nhà ở 30 khối, bản bị ngập sâu trong nước từ 1 đến 5m; nhiều địa phương ngập sâu như thị trấn Tân Lạc, các xã: Châu Hạnh, Châu Bình, Châu Hội... Nhiều điểm trên các tuyến đường giao thông bị ngập, sạt lở hay hư hỏng. Tất cả các cầu tràn trên địa bàn huyện đều bị ngập. Nhiều diện tích lúa mùa, mía, sắn bị hư hại do ngập...

Theo con số báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có hơn 1.734 ngôi nhà ngập, 830 ngôi nhà bị cô lập; mưa lũ gây thiệt hại gần 7.000 ha lúa, hoa màu, cây trồng khác; mưa lũ làm hư hại nhiều trường học, trạm y tế, cùng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; nhiều tuyến giao thông bị ngập, sạt lở và ách tắc lưu thông.

Tại tỉnh Thanh Hóa, do mưa lớn, trên các tuyến quốc lộ ủy thác cho tỉnh Thanh Hóa quản lý xảy ra sạt ta-luy dương tại 23 vị trí, sa bồi mặt đường tại 28 vị trí, 90m mặt Quốc lộ 217 tại Km144+700 bị nứt. Nhiều tuyến tỉnh lộ ở khu vực miền núi bị ngập đường tràn, sạt lở ta-luy, hư hỏng mặt đường. Vụ mùa năm nay, nông dân các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa gieo cấy 112.000 ha lúa và đã thu hoạch hơn 80% diện tích. Tính đến ngày 28/9, mưa lớn khiến hơn 1.345 ha lúa bị ngập 2/3 thân cây, ngập hơn 1.686 ha rau màu và các cây trồng khác. Trong tỉnh Thanh Hóa có hai người mất tích do bị lũ cuốn, 35 hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt, sạt lở đất.

Từ ngày 26 đến 27/9, địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to liên tục, nước lũ dâng cao, nhiều địa phương bị ngập, trong đó huyện Quỳ Châu là “tâm lụt” của tỉnh. Quỳ Châu bị thiệt hại nặng nề nhất khi toàn huyện có hơn 1.200 ngôi nhà ở 30 khối, bản bị ngập sâu trong nước từ 1 đến 5m; nhiều địa phương ngập sâu như thị trấn Tân Lạc, các xã: Châu Hạnh, Châu Bình, Châu Hội...

Khẩn trương khắc phục

Theo Công điện 898/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chủ động chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Trước đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có Văn bản số 362/VPTT ngày 27/9/2023 đề nghị các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và các tỉnh miền núi phía bắc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Ngày 28/9, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía bắc, Trung Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ tại những khu vực trên về triển khai công tác y tế ứng phó với mưa lũ. Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung cấp cứu nạn nhân do mưa lũ và bão gây ra, không để xảy ra gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Nguyễn Thanh Hoài cho biết: Huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo các địa phương khắc phục với phương châm nhà giúp nhà, đơn vị giúp đơn vị, xã giúp xã, tất cả chung tay để khắc phục hậu quả mưa lũ. Huyện thành lập bốn tổ công tác về các địa phương bị thiệt hại nặng; bố trí lực lượng giúp các trường học, trạm y tế bị ngập sâu dọn dẹp nhà cửa, nạo vét bùn đất, lau chùi các phòng học, đồ dùng học tập...

Trong ngày 28/9, huyện đã huy động gần 750 người, gồm các lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên, giáo viên, công chức, viên chức các địa phương để giúp các xã Châu Thắng, Châu Tiến, Châu Hạnh, thị trấn Tân Lạc dọn dẹp vệ sinh môi trường; huy động nhiều phương tiện cơ giới tập trung hốt đất, đá sạt lở và cây đổ để bảo đảm thông đường… Huyện đã trích ngân sách hỗ trợ 6 xã bị ảnh hưởng nặng ở dọc Quốc lộ 48, mỗi xã 20 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình bị ảnh hưởng mưa bão tại 12 xã, thị trấn trên địa bàn, mỗi gia đình 3 triệu đồng.

Trước tình hình mưa lũ tiếp tục được dự báo sẽ có diễn biến phức tạp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Cao Viết Thịnh cho biết: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đang tập trung kiểm tra, chỉ đạo tại chỗ công tác khắc phục hậu quả các điểm nguy cơ cao mất an toàn theo phương châm “bốn tại chỗ”; trước mắt tập trung huy động mọi nguồn lực cho việc triển khai các biện pháp tìm kiếm người mất tích và bị lũ cuốn trôi; chỉ đạo các điểm trường nằm trong vùng không an toàn tạm thời nghỉ học; đồng thời chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã xác minh, tổng hợp tình hình thiệt hại, di chuyển khẩn cấp các gia đình nằm trong vùng không bảo đảm an toàn đến địa điểm an toàn, lập hồ sơ cụ thể, đầy đủ theo quy định gửi về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các huyện tổng hợp.

Tại Hà Nội, từ 0 giờ đến 15 giờ ngày 28/9 đã có mưa lớn trên diện rộng. Tổng lượng mưa đo được tại quận Hà Đông gần 160mm, quận Hoàng Mai hơn 155mm, quận Nam Từ Liêm gần 120mm, quận Thanh Xuân hơn 110mm... khiến nhiều tuyến đường bị ngập nước. Mực nước sông Nhuệ, sông Tô Lịch dâng cao.
Đáng chú ý, do mưa lớn vào giờ cao điểm buổi sáng, nhiều tuyến đường của Thủ đô ùn tắc nghiêm trọng. Tại một số trường học ở quận Hà Đông, nước ngập vào phòng học ở tầng 1, khiến nhà trường phải cho các lớp nghỉ học, thông báo cho phụ huynh đến đón con về.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tap-trung-ung-pho-va-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-post775029.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: