Sẵn sàng phương án, kịch bản ứng phó với thời tiết cực đoan, bất thường

Đăng ngày: 30-07-2020 | Lượt xem: 1477
Do La Nina, dự báo từ nay đến cuối năm, nhiều nơi sẽ có mưa lũ lớn. Chúng ta sẽ chủ động ứng phó thế nào để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại? PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai xung quanh nội dụng này.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường

PHÓNG VIÊN: Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình hình thiên tai dị thường liên tục xảy ra ở nước ta trong thời gian qua?

Bộ trưởng NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: Tại miền Bắc, mới đầu năm 2020 đã xuất hiện mưa đá trên diện rộng ở nhiều địa phương; cuối tháng 4 vẫn còn đợt rét dị thường, sau đó là nắng nóng kéo dài tại miền Bắc và miền Trung. Còn ở Nam bộ, những tháng đầu năm đã trải qua tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục.

Gần đây, mưa lũ tại miền núi phía Bắc đã xuất hiện. Dù mới mưa đầu mùa nhưng đã làm nhiều người thiệt mạng. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tại khu vực này, ngoài 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn thì còn 3 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất, trong đó có trận động đất vào ngày 16-6 có độ lớn 4,9 richter tại huyện Mường Tè - Lai Châu. Tính đến đầu tháng 7, tại khu vực miền núi phía Bắc đã có 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 nhà sập, 52.015 nhà bị hư hại, tốc mái; 10.009ha lúa và hoa màu bị thiệt hại.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên phạm vi cả nước, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng. Các đợt dông, lốc, sét kèm theo mưa đá diễn ra trên diện rộng, tại 15 tỉnh, thành phố ở Bắc bộ; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vượt lịch sử năm 2016… Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 279 trận thiên tai, làm chết và mất tích 48 người, tổng thiệt hại về tài sản lên tới 3.424 tỷ đồng. Năm 2019, ở nước ta đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở ĐBSCL…

Các cơ quan dự báo thời tiết nhận định, tình hình thiên tai ở nước ta còn khốc liệt hơn trong các tháng tới. Bộ trưởng có thể thông tin thêm về cảnh báo này?

Dù những tháng đầu năm, thiên tai đã diễn ra khắc nghiệt nhưng theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, có dấu hiệu hiện tượng La Nina đang trở lại. Vì thế, nhiệt độ mùa đông năm nay sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm, không loại trừ rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc. Bên cạnh đó, tình hình mưa bão, lũ lụt, thiên tai sẽ còn gia tăng khốc liệt hơn, tập trung nhiều ở miền Trung và miền Nam.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng quốc gia, từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 9-11 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 5-6 cơn bão đổ bộ vào đất liền nước ta. Trạng thái La Nina thường gây ra các trận mưa bão lớn, gây ngập lụt và sạt lở. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia và số liệu thống kê thực tế thì sau hạn hán kỷ lục thường có mưa lớn, gây ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất, gây mất an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập trên các vùng, miền. Lịch sử đã từng ghi nhận, hạn hán gay gắt tại khu vực Nam Trung bộ vào mùa hè năm 1964, sau đó đã xảy ra trận đại hồng thủy cũng năm 1964 tại miền Trung làm gần 6.000 người chết. Đợt hạn hán năm 2015 - 2016 cũng ở Nam Trung bộ, đến năm 2016 - 2017 có mưa bão lớn (có 4 đợt mưa lũ lớn vào tháng 11 và 12-2016). Năm 2019 và đầu năm 2020 đã xảy ra tình trạng thiếu nước, hạn hán nặng nề tại khu vực Tây Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL.

Năm 2019, các hồ chứa lớn ở Bắc bộ như: Hòa Bình, Sơn La thiếu hụt nước nghiêm trọng, mực nước tại hồ Sơn La xuống thấp nhất kể từ khi xây dựng (năm 2005). Theo chu kỳ 2 năm sau hạn hán gay gắt trên diện rộng thì mưa lũ, bão sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, chúng ta cần phải sẵn sàng phương án, kịch bản ứng phó với hình thái thiên tai cực đoan, bất thường này.

Thưa Bộ trưởng, để ứng phó với mưa lũ dồn dập do La Nina thì hệ thống đê điều của nước ta giữ vai trò quan trọng, nhưng thực tế hiện nay hệ thống này đang xuống cấp nặng và là điều đáng lo ngại?

Cả nước có tổng số 9.078km đê sông, đê biển và 31.191km bờ bao tại ĐBSCL. Thế nhưng, thách thức đối với công tác đảm bảo an toàn chống lũ hiện nay là hệ thống đê điều đang xuống cấp. Nếu các trận mưa cực đoan như: trận mưa lớn năm 2008 gây lụt Hà Nội; mưa lũ lịch sử năm 2015 tại khu vực Đông Bắc, năm 2017 tại miền Trung… xảy ra, khi các hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ ở thượng nguồn đã sử dụng hết dung tích phòng lũ cho hạ du thì khả năng xảy ra lũ lớn, lũ vượt tần suất thiết kế là rất cao, uy hiếp an toàn đê điều.

Liên quan tới các hồ chứa, người dân rất lo lắng trước các “túi bom khổng lồ này”. Theo Bộ trưởng, cần làm gì để tránh rủi ro, thảm họa có thể xảy ra do nhân tai chồng lên thiên tai?

An ninh năng lượng với đất nước hiện nay rất quan trọng, do đó, chúng ta phải tạo điều kiện để các công trình thủy điện phát huy công năng cao nhất, đảm bảo đủ năng lượng cho cả nước. Nhưng trước tình hình thời tiết cực đoan như hiện nay, chúng ta cũng phải tính đến kịch bản làm sao để các hồ chứa, dự án thủy điện phải đảm bảo an toàn cho khu vực. Do đó, đòi hỏi từng thành viên, cụ thể là Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đảm bảo quy trình vận hành liên hồ chứa đúng khoa học, sát thực tế nhất; phải tuân thủ nghiêm túc điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Hiện nay, đối với các hồ chứa lớn, chúng ta đang quản lý và kiểm soát tốt. Tuy nhiên, các hồ chứa vừa và nhỏ, kể cả hồ chứa thủy điện và thủy lợi, chúng ta quản lý chưa tốt. Vừa qua, ngay trong mùa hạn mà vẫn để xảy ra sự cố vỡ đập tại các hồ chứa quy mô cấp xã và cấp huyện ở miền Trung. Điều này cho thấy, cần phải quản lý chặt chẽ cả các hồ chứa nhỏ, vì địa hình của nước ta là có độ dốc cao, dưới các hồ chứa đều có kết cấu dân cư và sản xuất. Vì thế, nếu xảy ra rủi ro thì dù hồ chứa nhỏ vẫn có thể gây thảm họa. Để quản lý các hồ chứa, không chỉ cần tới quy chế vận hành liên hồ chứa mà còn cần vai trò của các bộ chủ quản, chủ đầu tư và chính quyền địa phương.

Vậy chúng ta cần phải làm gì để tránh gặp phải những thảm họa như đang xảy ra ở một số nước?

Thiên tai đang ngày càng cực đoan, khó lường. Ngay từ bây giờ, không còn cách nào khác, chúng ta phải chủ động các giải pháp ứng phó, phòng hơn chống; từ nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, phòng chống thiên tai đến chuẩn bị các kịch bản phục hồi, tái sản xuất… theo phương châm 4 tại chỗ.

Trước việc biến đổi khí hậu với các hình thái cực đoan khốc liệt nhiều hơn trước, đòi hỏi chúng ta phải rà soát lại các khuôn khổ pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai; cơ chế chính sách; các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Hay như rà soát lại tổng thể dân cư ra sao, phương án sắp xếp bố trí thế nào vì bố trí như hiện nay, rõ ràng không đảm bảo an toàn, kể cả cho an cư lẫn sản xuất. Sau khi có số liệu cụ thể thì đưa ra chương trình tổng thể để bố trí, sắp xếp lại dân cư làm sao đảm bảo an toàn cao nhất, phương thức sản xuất cũng phải phù hợp nhất theo tiêu chí: trong bất kỳ hình thái thiên tai nào cũng phải đảm bảo duy trì sản xuất, giảm thiểu rủi ro ở mức cao nhất.

Hồ đập vẫn an toàn trước động đất

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi xuất hiện liên tiếp các trận động đất ở khu vực Tây Bắc nước ta, ngày 29-7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa sau động đất ở tỉnh Sơn La. Theo báo cáo, chỉ trong 2 ngày, từ 27 đến 29-7 có tới 16 trận rung lắc xảy ra liên tiếp, song theo quan trắc, các trận sau chỉ là dư chấn của trận động đất mạnh 5,3 độ richter vào trưa 27-7. Nguyên nhân là do khu vực Tây Bắc tồn tại các rãnh đứt gãy địa chất, dự báo trong tương lai có thể xuất hiện những trận động đất tới cấp 8-9.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, đến nay các hồ chứa thủy điện và thủy lợi vẫn đảm bảo an toàn, chưa ghi nhận có sự cố. Theo báo cáo của Bộ Công thương, các hồ chứa thủy điện vẫn vận hành, hoạt động bình thường. Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cảnh báo, đầu tháng 8 sẽ có mưa lớn trên diện rộng ở các khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Đông Nam bộ. Do đó, các địa phương cần chủ động ứng phó không chỉ với động đất bất thường mà còn mưa lũ. 

Theo sggp.org.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: