Quảng Nam: Thông tin dự báo KTTV nguy hiểm góp phần giảm nhẹ thiên tai

Đăng ngày: 23-03-2020 | Lượt xem: 2115
Các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn (KTTV) của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam đã được cụ thể hóa đến cấp huyện, có cảnh báo cấp độ rủi ro cho từng loại thiên tai tại địa phương với độ tin cậy ngày càng nâng lên.

Thông tin đầy đủ, kịp thời diễn biến thiên tai

Theo Đài KTTV tỉnh Quảng Nam, trong 5 năm gần đây, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến rất thất thường, cực đoan về lượng mưa, nhiệt độ, mực nước, độ mặn và mức độ xâm nhập mặn. Mỗi năm lại có một số loại thiên tai điển hình chi phối.

Chẳng hạn như, năm hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và kéo dài năm 2015, 2019; có lũ lớn và đặc biệt lớn năm 2016, 2017, nhất là từ ngày 01-06/11/2017 mưa đặc biệt lớn lượng mưa từ 1000-1400mm đã gây sạt lở kinh hoàng tại Trà My và Phước Sơn;  năm 2018, có trận mưa đặc biệt lớn từ ngày 8 - 11/12, lượng mưa 800-1000mm (nhằm ngày 2 - 5 tháng 11 âm lịch, đã qua thời điểm kinh nghiệm về lũ lụt  là ngày 23/10 âm lịch) tập trung vùng đồng bằng ven biển, gây lũ trên sông Tam Kỳ và ngập lụt nghiêm trọng thành phố Tam Kỳ.

Bão lũ gây thiệt hại và khó khăn cho người dân Quảng Nam. Ảnh minh họa

Theo thống kê chưa đầy đủ (năm 2019 chưa cập nhật), thiên tai 5 năm qua tại Quảng Nam đã làm 35 người chết, 40 người bị thương; khoảng 6.000 ngàn nhà bị tốc mái, hư hỏng, khoảng 17.000 hộ bị ngập; nhiều công trình, hạ tầng bị hư hỏng; sản xuất Nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.700 tỷ đồng.

Trước tình hình thiên tai nghiêm trọng và thiệt hại do thiên tai rất nặng nề tại địa phương; Đài KTTV Quảng Nam đã tổ chức đo đạc, quan trắc, thông tin dữ liệu, cảnh báo, dự báo và phục vụ thế nào để góp phần hạn chế thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra?

Quán triệt và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn về dự báo, cảnh báo KTTV, Đài KTTV Quảng Nam đã thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết thủy văn, nhất là các loại thiên tai thủy văn nguy hiểm như: bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), không khí lạnh (KKL), mưa lớn diện rộng, lũ lụt, lũ quét, sạt lở, dông sét tố lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.

Qua đó, trong 5 năm, Đài đã phát hành 1552 tin bão và ATNĐ; 384 tin KKL; 138 tin lũ; 364 tin thời tiết thủy văn nguy hiểm, 504 tin cảnh báo dông sét… Các bản tin này đã được gửi kịp thời, đầy đủ đến các địa chỉ theo quy định; đồng thời, cụ thể hóa đến cấp huyện, có cảnh báo cấp độ rủi ro cho từng loại thiên tai tại địa phương với độ tin cậy ngày càng phù hợp

Đặc biệt, các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết thủy văn nguy hiểm đã tham mưu có hiệu quả cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, các địa phương và cơ quan liên quan chủ động trong phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Các bản tin thời tiết thời tiết thủy văn nguy hiểm được cập nhật trên Đài PTTH tỉnh, hệ thống tin nhắn đến tất cả thuê bao di động trong thời gian chịu ảnh hưởng thiên tai và lan tỏa trên mạng xa hội như Zalo, Facebook…

Vận dụng hiệu quả “4 tại chỗ”

Thiên tai xảy ra là quy luật từ ngàn xưa đến nay của đất nước ta, được đúc kết trong sự tích “Sơn Tinh, Thủy tinh” hay lời của bài hát “Đất nước” có câu “Từ thủa còn nằm nôi, sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa”.

Biết vậy, nhưng số người chết, bị thương ít nhất, tài sản của nhà nước và của nhân dân thiệt hại ít nhất là niềm hạnh phúc của cả hệ thống PCTT&TKCN, trong đó có ngành KTTV.

Quảng Nam hiện hữu 15/17 loại thiên tai có nguồn gốc KTTV, đó là: Áp thấp nhiệt đới, bão, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, mưa đá (Chỉ thiếu 2 loại thiên tai là rét hại và sương muối).

Do điều kiện thiên tai khắc nghiệt, điều kiện địa hình phức tạp, đặc biệt các trạm KTTV Quảng Nam đóng ở những vị trí đặc thù có thể bị chia cắt dài ngày; để đối phó với tình trạng này, Đài KTTV Quảng Nam thực hiện, vận dụng hiệu quả phương châm 4 tại chỗ.

Trong đó, “Chỉ huy tại chỗ” đảm bảo thống nhất cao trong chỉ huy, chỉ đạo về đo đạc, quan trắc, dự báo, cảnh báo phục vụ PCTT; “Lực lượng tại chỗ” là có phối hợp nhịp nhàng giữa các hệ thống quan trắc đo đạc, thông tin dữ liệu, cảnh báo, dự báo các loại thiên tai; “Vật tư tại chỗ” tổ chức khắc phục kịp thời, nhanh nhất trong mọi tình huống về sự cố về máy móc, thiết bị, có dự phòng máy móc, thiết bị; “Hậu cần tại chỗ” là chuẩn bị dự phòng lương thực, thực phẩm, thuốc sơ cứu, nhiên liệu xăng dầu… nhằm duy trì nhiều ngày hệ thống quan trắc, đo đạc, truyền tin, dự báo, cảnh báo trong điều kiện khắc nghiệt của thiên tai.

Đài KTTV Quảng Nam đã chỉ đạo các trạm KTTV trên địa bàn tổ chức đo đạc, điện báo, đảm bảo số liệu mưa, mực nước, sản phẩm ra đa thời tiết theo yêu cầu của BCH PCTT&TKCN tỉnh và Đài khu vực. Tần suất đo đạc, truyền tin ít nhất là 6h/1 lần và nhiều nhất là 30 phút/1 lần.

Số liệu đo đạc đúng theo quy trình, quy phạm Ngành và được truyền kịp thời về Đài tỉnh. Sau khi kiểm tra mức độ chính xác của số liệu, Đài tỉnh chuyển số liệu đầy đủ, kịp thời cho Đài khu vực, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, một số địa phương và cơ quan, ban ngành khi có yêu cầu.

Thông tin liên lạc giữa các Trạm KTTV với Đài tỉnh, giữa Đài tỉnh với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Đài khu vực và các cơ quan liên quan bảo đảm thông suốt, kịp thời, đầy đủ.

Với yêu cầu ngày càng cao của công cuộc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tập thể Đài KTTV Quảng Nam định hướng tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, trau dồi kỹ năng, kỹ thuật làm chủ công nghệ đo đạc, quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV nhằm đóng góp nhiều hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn về phục vụ PCTT&TKCN nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra ở địa phương, phục vụ cộng đồng.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: