Quân dân Thừa Thiên Huế chủ động phòng, chống thiên tai

Đăng ngày: 17-08-2021 | Lượt xem: 1664
Thừa Thiên Huế là địa phương thường xuyên gánh chịu sự tàn phá nặng nề do thiên tai gây ra. Là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, năm 2021, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) Thừa Thiên Huế đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị cả về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất theo phương châm '4 tại chỗ', nhằm ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại khi có tình huống xảy ra.

Ban CHQS thị xã Hương Trà luyện tập phương án cứu người đuối nước trên sông. (Ảnh: NT)

Tiết trời những ngày tháng tám ở xứ Huế vẫn rất khắc nghiệt, mới 7 giờ sáng mà nắng đã chói chang, oi bức. Nhưng khi đến khu vực sông Bồ đoạn chảy qua xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà chúng tôi đã nghe thấy khẩu lệnh, tiếng động cơ và tiếng cuốc xẻng… của các lực lượng tham gia “cứu đê” do Ban CHQS thị xã Hương Trà phối hợp với xã Hương Vinh tổ chức. Theo dõi các lực lượng thực hành xử lý các tình huống gia cố đoạn đê bị sạt; cứu người bị đuối nước…, chúng tôi thấy sự hiệp đồng, phối hợp và các thao tác khá nhuần nhuyễn, thuần thục, chính xác.

Theo Thiếu tá Lê Văn Trung, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị xã Hương Trà, là địa bàn ven biển, có nhiều con sông chảy qua, hằng năm địa phương thường gánh chịu thiệt hại do thiên tai, bão lụt. Do vậy, để sẵn sàng ứng phó với các tình huống, Ban CHQS thị xã chỉ đạo và phối hợp với các địa phương khu vực xung yếu tổ chức luyện tập thành thục các phương án, tình huống. Đồng thời, trong thời gian dân quân huấn luyện, các địa phương đưa vào huấn luyện bổ sung các nội dung sát với thực tế địa bàn, đặc biệt là động viên bà con nhân dân cùng tham gia. Nhờ vậy, khi xảy ra các tình huống thiên tai, bão lụt, không chỉ lực lượng vũ trang mà nhân dân đều thuần thục các phương án đối phó, qua đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trực tiếp theo dõi, chỉ đạo luyện tập, Trung tá Hồ Đắc Quốc, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Năm 2020, bên cạnh gánh chịu hậu quả tàn phá từ bão lụt, địa phương còn chịu thiệt hại nặng nề do sạt lở đất. Theo đó, năm nay, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị căn cứ vào tình hình địa bàn, chủ động luyện tập các phương án và làm tốt công tác chuẩn bị về lực lượng, phương tiện, vật chất cho nhiệm vụ theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng cơ động xử trí có hiệu quả sát với thực tế. Cụ thể, các địa phương vùng biển, ven sông chú trọng luyện tập, diễn tập phương án sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực ngập lụt, gia cố đê…; các địa phương miền núi như Nam Đông, A Lưới… khảo sát các khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất để lên phương án di dời nhân dân đến nơi an toàn… Đồng thời, tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn của các nhà máy thủy điện, các hồ, đập trên địa bàn, kịp thời đưa ra các biện pháp, phương án xử lý những công trình có nguy cơ mất an toàn. Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo huyện Phong Điền diễn tập PCTT-TKCN, đưa các tình huống phòng chống sạt lở đất, sơ tán nhân dân ra khỏi trọng điểm lũ lụt… từ đó rút kinh nghiệm để các địa phương thực hiện có hiệu quả”.

 

Ban CHQS thị xã Hương Trà luyện thực hành cứu người đuối nước. (Ảnh: NT)

Được biết, thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quán triệt và thực hiện nhất quán phương châm “4 tại chỗ”. Về chỉ huy tại chỗ, khi có tình huống xảy ra, Bộ CHQS tỉnh thành lập 1 Sở chỉ huy cơ bản và 2 Sở chỉ huy phía trước. Ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào tình hình cụ thể tổ chức thành lập các Sở chỉ huy tại chỗ. Về “lực lượng tại chỗ”, đối với các đơn vị thường trực Trung đoàn 6, Tiểu đoàn Tăng 3 và các Đại đội Công binh, Trinh sát… làm nhiệm vụ trực chiến đi đầu khi xảy ra mưa bão, lũ lụt.

Đối với Ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã chọn các đơn vị dân quân cơ động, dự bị động viên; cấp xã chọn trung đội dân quân cơ động; mỗi xã, phường chọn từ 1 tổ đến 1 tiểu đội dân quân... làm nòng cốt được trang bị các phương tiện, vật chất như: Áo phao, phao cứu sinh, ống nhòm, đèn pin, xuồng máy... sẵn sàng cơ động xử lý, ứng cứu ở những nơi trọng điểm khi có tình huống xảy ra. Ở các địa bàn trọng điểm lũ lụt như huyện Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc…, ngoài việc vận động nhân dân tự mua sắm các vật chất cần thiết như áo phao, phao cứu sinh, đèn pin, máy phát điện, can đựng nước, cưa tay, chuẩn bị lượng dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm... mỗi gia đình ở vùng trũng thấp đều tự sắm phương tiện thuyền bè để sẵn sàng đối phó khi xảy ra lũ lụt.

Với phương châm “Chủ động về phương án, thuần thục kỹ năng ứng cứu, cơ động nhanh, xử lý có hiệu quả khi có tình huống xảy ra” công tác PCTT-TKCN của lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy hiệu quả. Thực tiễn chứng minh, khi xảy ra thiên tai, lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế luôn có mặt kịp thời và là lực lượng nòng cốt đi đầu, chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân./.

Theo Báo Đảng cộng sản

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: