Nước biển dâng do bão nguy hiểm như thế nào?

Đăng ngày: 27-05-2020 | Lượt xem: 12542
Nhằm đưa đến độc giả những thông tin chính xác, chi tiết, cụ thể về hiện tượng nước biển dâng do bão, Tạp chí Khí tượng Thủy văn đã có buổi phỏng vấn TS Nguyễn Xuân Hiển, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH về vấn đề này.

Phóng viên: Ông có thể giải thích thế nào là nước dâng do bão?

TS. Nguyễn Xuân Hiển: Nước dâng do bão là hiện tượng mực nước biển dâng cao hơn bình thường (mực nước thủy triều) dưới tác động tổng hợp của nhiều yếu tố khi có bão. Hai nguyên nhân chính đóng góp vào nước dâng do bão là gió thổi liên tục trong thời gian dài đẩy nước từ ngoài khơi vào bờ và sự giảm của áp suất khí quyển ở tâm bão kéo nước biển dâng lên.

Các thành phần đóng góp vào nước dâng do bão (gió và áp suất khí quyển)

Các yếu tố ảnh hưởng đến nước dâng do bão bao gồm:

  1. Tốc độ gió và bán kính gió cực đại trong bão;
  2. Tốc độ di chuyển của bão;
  3. Hướng di chuyển của bão;
  4. Áp suất khí quyển tâm bão;
  5. Vị trí đổ bộ của bão;
  6. Địa hình đáy biển;
  7. Hình dạng đường bờ.
  8. Nước dâng do bão gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân bởi ngập lụt khu vực ven biển, xói lở bờ biển, phá hủy đê, kè và các công trình ven biển.

Phóng viên: Nước dâng do bão trong mối liên hệ với biên độ thủy triều sẽ có tác động như thế nào đối với khu vực ven biển Việt Nam ?

TS. Nguyễn Xuân Hiển: Nước dâng trong bão kèm theo sóng lớn là nguyên nhân gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến đê biển và các công trình ven biển, nó trở lên đặc biệt nguy hiểm nếu xảy ra vào kỳ triều cường. Bão đổ bộ vào kỳ triều cường sẽ có nguy cơ cao ngập lụt cho khu vực ven biển.

Nước dâng do bão và mực nước tổng cộng trong bão

Trên thế giới đã ghi nhận nhiều cơn bão đổ bộ vào thời kỳ triều cường gây mực nước tổng cộng trong bão rất cao, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Năm 2005, tại Hoa Kỳ, nước dâng do bão kết hợp với triều cường trong bão Katrina gây mực nước tổng cộng lên đến hơn 8m, làm chết gần 1.200 người, gây thiệt hại khoảng 75 tỷ USD; năm 2008, tại Myanmar, nước dâng trong cơn bão Nargis gây ngập lụt nghiêm trọng, làm hơn 130.000 người chết; Năm 2013, tại Philippine, siêu bão Haiyan gây nước dâng tổng cộng lên tới 6,5 m làm hơn 6.000 người chết, thiệt hại lên đến 14 tỷ USD.

Ở Việt Nam, nước dâng do bão đã gây rất nhiều thiệt hại về người và của. Theo thống kê, bão đứng hàng đầu trong số 6 thiên tai thường xuyên xảy ra ở nước ta. Tại một số khu vực có biên độ thủy triều lớn như vùng Quảng Ninh - Hải Phòng và khu vực ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau, nếu bão đổ bộ vào lúc triều cường, chỉ cần những cơn bão gây nước dâng nhỏ cỡ vài chục cm đã gây ngập lụt vùng ven bờ, như trường hợp bão số 2 năm 2013 đổ bộ vào Hải Phòng chỉ với cấp 8 gây nước dâng 0,7m, nhưng vào lúc triều cường đã gây ngập lụt khu vực Đồ Sơn-Hải Phòng. Một số cơn bão khác đổ bộ vào thời kỳ triều cường gây mực nước tổng cộng cao như bão Washi năm 2005, bão Damrey, 2005, bão .

Hình vẽ dưới đây thể hiện bản đồ nguy cơ ngập cho tỉnh Ninh Bình gây ra bởi bão cấp 13 đổ bộ vào thời kỳ triều trung bình (bên trái) và triều cường (bên phải). Có thể thấy rằng, nguy cơ ngập tăng lên rõ rệt khi bão đổ bộ vào thời kỳ triều cường.

Bản đồ nguy cơ ngập cho tỉnh Ninh Bình gây ra bởi bão cấp cấp 13 khi bão đổ bộ vào thời kỳ triều trung bình (bên trái) và triều cường (bên phải)

Các địa phương ven biển phải đặc biệt chú ý đến hiện tượng nước dâng do bão, theo các nghiên cứu, nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra tại khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh tới 4,5 mét, tiếp đến là tại khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa là 3,5 m. Trong tương lai, do biến đổi khí hậu, khi có siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến 5,0 m tại khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh. Như vậy, nguy cơ ngập lụt gây ra bởi nước dâng do bão càng nghiêm trọng hơn.

Phóng viên: Trong các vùng ven biển tại Việt Nam, theo ông vùng nào được đánh giá là chịu tác động mạnh do nước dâng do bão?

TS. Nguyễn Xuân Hiển: Theo Quyết định 2901/QĐ-BTNMT ngày 16 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố kết quả cập nhật phân vùng bão, xác định nguy cơ nước dâng do bão và phân vùng gió cho các vùng ở sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ, vùng có nguy cơ bão cao từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Đây là vùng có số cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng nhiều nhất, trung bình từ 2,0 - 2,5 cơn/năm, ba tháng nhiều bão nhất là các tháng 7 – 8 - 9. Cấp gió bão mạnh nhất đã xảy ra là cấp 14, giật cấp 15 – 16, nước dâng do bão tới 3,5 mét. Nguy cơ trong tương lai, gió bão tại vùng này có thể đạt cấp 15 - 16, giật trên cấp 17, nước dâng do bão có thể lên tới 4,9 mét. Vùng có nguy cơ cao tiếp theo là vùng ven biển từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.

Vùng phía nam của khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ là vùng có nguy cơ bão không cao như các vùng ven biển khác trong cả nước với 23 cơn bão trong giai đoạn 1961 – 2014 ảnh hưởng đến vùng này, ba tháng nhiều bão nhất là các tháng 10, 11, 12;cấp gió bão mạnh nhất đã xảy ra ở cấp 10, giật cấp 12 - 13. Tuy nhiên, do là vùng hiếm khi có bão nên chính quyền và người dân địa phương không có nhiều kinh nghiệm phòng chống bão như các vùng miền khác. Khu vực này cũng cần cảnh giác khi có bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng và đổ bộ.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: