Nỗ lực tìm giải pháp ứng phó với thiên tai

Đăng ngày: 03-10-2019 | Lượt xem: 1406
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng thủy triều dâng, mưa lớn và ngập lụt ở các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Long An đã và đang nỗ lực tìm giải pháp ứng phó.

Tuyến đê bờ biển Tây tại Cà Mau xuất hiện những điểm sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Bạch Thanh

Cà Mau: Tuyến đê bờ biển Tây xuất hiện 4 đoạn sạt lở nghiêm trọng

Ngày 2/10, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, hiện bờ biển Tây và bờ biển Đông (Cà Mau) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Trong đó, tuyến đê biển Tây xuất hiện 4 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 2.100 m và đang tiếp tục sạt lở thêm, gây ảnh hưởng đến sự ổn định của đê biển. Khu vực bờ biển Đông cũng đang bị sạt lở mạnh, mỗi năm lấn sâu vào đất liền từ 30 - 50 m, có những điểm đặc biệt nghiêm trọng mất từ 80 - 100 m/năm. Tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hàng ngàn hộ dân cư ngụ ven sông, ven biển. 

Để chủ động các giải pháp ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định tình huống khẩn cấp, trong đó xác định 8 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài gần 28.000 m. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí trên 947 tỉ đồng để xử lý khẩn cấp các vị trí sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Bên cạnh việc lên kế hoạch bố trí, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện và thành phố Cà Mau tăng cường phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động rà soát các điểm sạt lở trên địa bàn, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, kịp thời báo cáo UBND tỉnh khi có sự cố sạt lở, thiên tai xảy ra trên địa bàn. Các cấp, ngành chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai; đặc biệt là hướng dẫn người dân các kỹ năng, biện pháp ứng phó với thiên tai khi xảy ra bão, lốc xoáy, sụt lún, sạt lở đất ven sông, ven biển.  

Long An: Đề xuất nhiều dự án phòng chống thiên tai

Nhằm đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, sớm ổn định đời sống dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đề xuất thực hiện các danh mục 13 công trình xử lý cấp bách phòng chống thiên tai và ổn định dân cư giai đoạn 2021- 2030.

Theo đó, để đối phó với tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề xuất cần đầu tư xây dựng một số công trình, dự án thủy lợi và phòng chống sạt lở như: Xây dựng kè chống sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây (xã Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An); xây dựng kè chống sạt lở bờ kênh Cầu Duyên (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa); xây dựng kè sông Bảo Định, đoạn từ cống Bảo Định đến qua cống đầu kênh Vành Đai; đầu tư hệ thống 5 cống ngăn mặn cấp bách ven sông Vàm Cỏ Tây, thuộc huyện Thạnh Hóa, phục vụ ngăn mặn cho tỉnh Long An và Tiền Giang; xây dựng hai hồ chứa nước ngọt ở các huyện Thạnh Hóa và Cần Giuộc…       

Đối với việc ổn định dân cư vùng thiên tai, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề xuất thực hiện 4 dự án di dời, bố trí dân cư gồm: Dự án di dời 76 hộ dân ở cù lao Xuân Hòa, cù lao Vĩnh Viễn (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) có nguy cơ bị sạt lở bờ sông cao vào khu tái định cư Đập Rạch Heo; dự án bố trí 62 hộ ở vùng có nguy cơ bị sạt lở vào khu tái định cư xã Long Hậu - huyện Cần Giuộc; dự án mở rộng tuyến dân cư biên giới ở xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ và dự án mở rộng cụm dân cư ấp Bình Châu B (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng).

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện các công trình, dự án này gần 1.560 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước trên 864 tỉ đồng, gần 595 tỉ đồng còn lại được huy động từ nguồn hỗ trợ quốc tế và các nguồn khác. Tỉnh Long An kiến nghị các bộ, ngành Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn từ dự phòng ngân sách của Trung ương.

Bến Tre: Ban bố tình trạng khẩn cấp khu vực bờ sông

Theo thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre, trong 3 năm qua, sạt lở gây thiệt hại hơn 70 héc-ta rừng đước, phi lao, mắm ở ven biển. Trong đó, huyện Thạnh Phú bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 50 héc-ta.

Tỉnh Bến Tre có có 65km bờ biển, nhiều đoạn đang bị sạt lở đe dọa, gây thiệt hại nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ, hoa màu của người dân. Hiện toàn tỉnh có 8 điểm sạt lở bờ biển, tổng chiều dài khoảng 19km.

Để thực hiện tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng vừa ký quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh có 4 khu vực bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 7.000m bị sạt lở cần khẩn cấp xử lý. Cụ thể, sạt lở bờ biển khu vực cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri chiều dài khoảng 1.200m; khu vực cồn Lợi, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú chiều dài khoảng 1.500m; khu vực xã Thừa Đức, huyện Bình Đại chiều dài khoảng 3.000m và sạt lở bờ sông Bến Tre khu vực xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre với chiều dài khoảng 1.200m./.

Theo dangcongsan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: