Ninh Kiều chủ động phòng, tránh thiên tai

Đăng ngày: 22-06-2020 | Lượt xem: 1320
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, những năm gần đây thời tiết, khí tượng thủy văn diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp, biến đổi khí hậu toàn cầu tác động đến nước ta nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Là địa bàn trung tâm của thành phố, gồm 13 phường với cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư bài bản nhưng quận Ninh Kiều không chủ quan trước thiên tai, luôn có kế hoạch chủ động phòng, chống và khắc phục ảnh hưởng do thiên tai gây ra.

Đơn vị chuyên môn tổ chức cắt tỉa cây xanh trên địa bàn quận Ninh Kiều, tránh cây đổ ngã trong mùa mưa, bão.

►Hiểm họa thiên tai

Mưa lớn, lốc xoáy đã xuất hiện trên địa bàn quận Ninh Kiều. Ðợt mưa lớn kèm lốc xoáy vào 10-6-2020 làm 1 người chết, 1 căn nhà sập, 35 nhà tốc mái - xiêu vẹo; 9 xe ô tô, 1 xe tải, 1 xe gắn máy bị hư hỏng nặng do cây xanh ngã đè; 63 cây xanh bị ngã đổ, 57 cây bị tét nhánh trên các tuyến đường… UBND quận Ninh Kiều và các phường đã huy động lực lượng, đơn vị chuyên môn hỗ trợ người dân sửa chữa, lợp lại nhà cửa, dọn dẹp cây xanh bị đổ ngã. Ông Nguyễn Văn Hải, ở đường Trần Hưng Ðạo, phường An Phú, quận Ninh Kiều, cho biết: “Ngay sau khi giông lốc đi qua, lực lượng chuyên môn đã đến cắt tỉa cây xanh, thu gọn cành nhánh đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường Trần Hưng Ðạo. Tận mắt chứng kiến cảnh gió thổi giật mạnh, gây đổ ngã, tôi sẽ không để mất cảnh giác, lơ là trong việc bảo vệ nhà cửa hay ra ngoài khi trời có mưa giông, gió lớn…”.

Quận Ninh Kiều còn chịu ảnh hưởng do sạt lở bờ sông, ảnh hưởng sinh hoạt, đe dọa tính mạng người dân. Vụ sạt lở bờ sông Cần Thơ xảy ra vào ngày 7-3-2020, tại khu vực 5, phường An Bình đã làm sụp đổ một phần nhà sau của 4 hộ dân, 1 xưởng cán tôn. Ðiểm sạt lở dài 27m, rộng khoảng 3m, độ sâu từ 5m đến 7m. Rất may, vụ sạt lở không ảnh hưởng về người, tuy nhiên đã làm sụp đổ xuống sông vật dụng gia đình của các hộ dân… Theo UBND quận Ninh Kiều, khu vực sạt lở trên thuộc Dự án xây dựng bờ kè sông Cần Thơ, các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở đều có nhà nằm trong dự án và đã nhận tiền hỗ trợ bồi thường thiệt hại theo quy định. Bà con được hỗ trợ di dời, khắc phục thiên tai và giải quyết tạm cư để chờ chủ đầu tư Dự án xây dựng bờ kè sông Cần Thơ bố trí nền tái định cư…

►Nỗ lực phòng tránh

Ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) quận Ninh Kiều, cho biết: “Khi thiên tai xảy ra, địa phương huy động lực lượng là bộ đội, công an, dân phòng... kịp thời có mặt, hỗ trợ người dân bị thiệt hại nhà cửa dựng lại nhà mới; dọn dẹp cây xanh. Ðồng thời, Quận ủy, UBND quận Ninh Kiều đến thăm gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống. Trong những tháng mưa bão sắp tới, tình trạng mưa lớn, lốc xoáy, sấm sét... có thể tiếp tục xảy ra nên UBND quận, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận yêu cầu UBND các phường và người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng tránh thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại”.

UBND quận Ninh Kiều yêu cầu Phòng Quản lý Ðô thị quận phối hợp với đơn vị chăm sóc cây xanh tiếp tục rà soát và xử lý, cắt tỉa các cây xanh nặng tàng, hạn chế tình trạng cây đổ ngã trong mùa mưa. Quận Ninh Kiều sẽ ưu tiên chọn các loại cây có rễ cọc cắm sâu vào đất, thân dẻo, có khả năng chống chọi cao với mưa, bão và ít bị sâu bệnh (sâu đục thân) để trồng trên vỉa hè, tạo mảng xanh cho quận trung tâm…

Mới đây, tại cuộc họp ứng phó trận mưa, giông và triển khai nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Ninh Kiều cũng yêu cầu các các phòng, ban, UBND các phường nâng cao nhiệm vụ ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp; khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng tránh thiên tai theo phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện, kinh phí tại chỗ và hậu cần tại chỗ” và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả cao), trong đó lấy phòng tránh là chính. Các đơn vị cần tăng cường kiểm tra các công trình, nhà cửa và tuyên truyền, vận động nhân dân đề phòng nhà bị tốc mái khi giông gió, lốc xoáy xảy ra; thường xuyên kiểm tra, sửa chữa kịp thời, khắc phục hư hỏng khi xảy ra sự cố không an toàn tại các tuyến đường điện trung, hạ thế; phát quang cây cối, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, an toàn giao thông cho người dân khi lưu thông trên đường; tổ chức khai thông cống rãnh, hạn chế ngập nghẹt đô thị khi mưa lớn xuất hiện...

Theo baocantho.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: