Nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

Đăng ngày: 12-01-2022 | Lượt xem: 5011
Trong những năm gần đây, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được thể chế trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng

THIÊN TAI DIỄN BIẾN PHỨC TẠP, KHÓ LƯỜNG

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu, thiên tai nghiêm trọng thường xuyên diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước,có xu thế ngày càng gia tăng và khốc liệt với 22 loại hình thiên tai xảy ra khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là bão, lũ, lũ quét sạt lở đất, ngập lụt ngày càng khốc liệt vượt các mốc lịch sử đã được ghi nhận. Trong những năm gần đây, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan, trái quy luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Riêng năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng. Đặc biệt từ tháng 9 đến tháng 11/2020, miền Trung chịu ảnh hưởng của 9 cơn bão và 2 cơn áp thấp nhiệt đới; trong đó bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua. Mưa lũ lịch sử xảy ra dồn dập, xuất hiện “tổ hợp thiên tai” bão chồng bão, lũ chồng lũ đã tác động, ảnh hưởng đến tất cả các tuyến từ ngoài Biển Đông đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi trong thời gian dài, đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng. Ngay trong tháng 12 vừa qua, cơn bão số 9 (RAI) diễn ra vào thời điểm cuối năm nhưng đạt cấp siêu bão với sức gió thực đo cấp 14, giật cấp 17, lớn nhất trong 40 năm qua. Cơn bão không ảnh hưởng nhiều đến đất liền nước ta nhưng cũng được đánh giá là cơn bão có diễn biến bất thường và hiếm gặp.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, trong vòng 30 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế 1,0 - 1,5% GDP. Tính trung bình 10 năm từ năm 2012 - 2021, có khoảng 230 người chết, mất tích thiệt hại kinh tế: 22.632 tỷ đồng. Số liệu so sánh cho thấy, thiệt hại về người giai đoạn 2009-2018 giảm 45% nhưng thiệt hại về tài sản tăng 149% so với giai đoạn 1999-2008.

Rủi ro do thiên tai gây ra có xu hướng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu, sức ép từ sự gia tăng dân số, các tác động tiêu cực từ phát triển kinh tế xã hội và các hoạt động phát triển ở thượng nguồn cùng với sự chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai của bộ phận cán bộ và người dân. Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ngày một nặng nề hơn trước yêu cầu bảo vệ xã hội an toàn hơn.

Cứu hộ nhân dân vùng lũ lụt - Ảnh minh họa

Cứu hộ nhân dân vùng lũ lụt - Ảnh minh họa

GÓP PHẦN GIẢM THIỂU NHỮNG RỦI RO DO THIÊN TAI GÂY RA

Trước những thách thức của thiên tai cực đoan, bất thường, công tác phòng, chống thiên tai ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kết hợp hoạt động công trình và phi công trình, các hoạt động phòng, chống thiên tai từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Trong đó, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được đẩy mạnh và triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả.Các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế cho thấy, nâng cao nhận cộng đồng là một hình thức đầu tư phi công trình có chi phí không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống thiên tai.

Đầu tiên phải kể đến là các chính sách, chiến lược, thể chế quy định hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai của Chính phủ. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; năm 2009, phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Quyết định số 1002/QĐ-TTg (Đề án 1002). Với mục tiêu đưa ra các hoạt động, giải pháp về phòng ngừa, trong đó cộng đồng đóng vai trò làm trung tâm trong mọi hoạt động phòng, chống thiên tai, khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng vào công tác quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao nhận thức, năng lực, giảm thiểu rủi ro thiên tai, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai.

Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2020, việc triển khai thực hiện Đề án 1002 đã ghi nhận một số kết quả như: hơn 3.000 xã đã triển khai thực hiện các hoạt động về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, hơn 10.000 lớp đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, học sinh và cộng đồng cùng với hơn 1,6 triệu hoạt động truyền thông thu hút khoảng 3,7 triệu lượt người dân tham gia.

Vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt tại cấp xã, năng lực cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai từng bước được nâng cao. Cộng đồng và người dân có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, được cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai. Thống kê cho thấy, trong thời gian qua, mặc dù thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường tuy nhiên thiệt hại về người giảm đáng kể so với trước đây. Người dân đã chủ động các biện pháp phòng tránh ngay từ khi nhận được tin cảnh báo; sẵn sàng di dời đến nơi an toàn theo hiệu lệnh của cơ quan chức năng khi xảy ra thiên tai. Đề án cũng đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và 2 chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững.

Với tầm quan trọng nêu trên, trong những năm gần đây, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được thể chế trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, như Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020. Lần đầu tiên, ngày 24/3/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”. Cùng với đó, ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021.

Đề án 553 được phê duyệt đã điều chỉnh với nhiều nội dung, nhiệm vụ mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tình hình thiên tai hiện nay. Đồng thời, kế thừa nhiều bài học kinh nghiệm cũng như mô hình điển hình về nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được đúc kết trong quá trình triển khai thực hiện từ giai đoạn trước để các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng ngày càng được triển khai rộng rãi, hiệu quả và bền vững. Trong thời gian tới, để thực hiện Đề án một cách hiệu quả, thiết thực, vai trò của chính quyền các cấp là hết sức quan trọng. Uỷ ban nhân dân các cấp cần quan tâm chỉ đạo sâu sát từng nội dung, từ khâu lập kế hoạch đến triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục thiếu sót. Mặt khác, cần tạo điều kiện để các bên liên quan cùng tham gia thực hiện theo đúng tinh thần của Đề án, nhất là sự tham gia của người dân và cộng đồng./.

Nguyễn Văn Tiến
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nguồn: tuyengiao.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: