Nam Bộ không chủ quan dù ít lũ

Đăng ngày: 23-07-2019 | Lượt xem: 1291
Mùa mưa lũ năm 2019, Nam Bộ được dự báo không xảy ra lũ lớn như năm trước, nhưng tình hình sạt lở đang tiếp tục diễn biến phức tạp và mưa lũ cực đoan do ảnh hưởng từ thượng nguồn, triều cường và bão vẫn có thể xảy ra. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố ở khu vực Nam Bộ cần tiếp tục củng cố các tuyến đê sông, đê biển và khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn.
T7
Tình hình sạt lở ở Nam Bộ diễn biến phức tạp. Ảnh: MH

Liên tục diễn ra sạt lở

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn các địa phương khu vực Nam Bộ đã xảy ra 188 điểm sạt lở bờ sộng, bờ biển. Mới đây nhất là vụ sạt lở ở ấp Tân Hậu A1 (xã Tân An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) trong phạm vi bảo vệ đê Bắc kênh Xáng với chiều dài khoảng 20m, ăn sâu vào đất liền khoảng 7m. Nguyên nhân do mực nước thấp cùng với ảnh hưởng của mưa, bờ sông thẳng đứng làm trượt mái gây sạt lở. Trước tình hình trên, lãnh đạo địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ giúp 2 hộ dân trong khu vực sạt lở tháo dỡ nhà cửa, di dời tài sản đến nơi an toàn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, chỉ trong 3 ngày 17, 18, 19/7, liên tiếp các vụ sạt lở xảy ra tại ấp An Thịnh (huyện Chợ Mới), ấp Quốc Khánh (huyện An Phú) và ấp Tân Hậu A1, đe dọa trực tiếp đến tài sản và tính mạng của người dân. Tình hình sạt lở còn có khả năng mở rộng thêm khi gặp mưa và nước lũ về, nên chính quyền các địa phương đang khẩn trương vận động người dân nằm trong vùng nguy hiểm chủ động di dời đến nơi an toàn.

Tại Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực phía Nam vừa diễn ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhận định, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong khi việc quản lý xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, kênh, rạch, khai thác cát và nước dưới đất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Riêng năm 2018, đã xảy ra 441 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 834 km. Đến nay, toàn Nam Bộ vẫn còn 28/57 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 99/170km chưa được xử lý.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tuy đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực thế. Trong khi đó, nhiều khu vực bờ sông, bờ biển sạt lở nghiêm trọng nhưng thiếu vốn đầu tư khắc phục, di dời dân, một số cơ chế chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, chậm được tháo gỡ…

Riêng tại Cà Mau, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có xói lở trên 250km bờ sông, sạt lở thường xuyên xảy ra với chiều dài 105 km bờ biển, trong đó, có nhiều đoạn sạt lở đến chân đê biển. Tỉnh cùng với các địa phương phía Nam đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bố trí vốn; xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ, từng bước bố trí, sắp xếp lại dân cư sống trong vùng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở nguy hiểm.

Lo củng cố đê, bờ bao

Về tình hình mưa lũ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, do ảnh hưởng của El Nino, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long nhưng khu vực các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre vẫn tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu. Riêng 4 tỉnh thượng nguồn có gần 22.000 km ô bao, bờ bao trong đó có 34,5km đê cấp III, hơn 9.600 km ô bao, bờ bao triệt để. Ông Nguyễn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó khắc phục thiên tai cho biết, các tuyến đê bao triệt để đủ cao trình chống lũ BĐ3, tuy vậy, trong thân đê chứa nhiều ẩn họa nên đã từng xảy ra sự cố khi mực nước mới ở mức BĐ2 nên cần rà soát lại.

Hệ thống đê biển từ Bà Rịa  - Vũng Tàu đến Kiên Giang hiện đã hoàn thành 306/582 km đê cùng với 35km kè, 225 cống, 1.500 ha cây chắn sóng. Trong các tháng 10 - 12, do ảnh hưởng của gió mùa và không khí lạnh mạnh, ven biển Đông Nam Bộ có khả năng xuất hiện sóng lớn 2 - 3m. Nhiều đợt triều cường cao vượt 4 m có thể xảy ra vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, các ngày giữa và cuối của tháng 11 và 12/2019. Mùa bão năm nay bắt đầu muộn và ít bão, nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện bão mạnh, có quỹ đạo phức tạp và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ. Điển hình là cơn bão số 9 năm ngoái đổ bộ vào khu vực từ Nam Khánh Hòa đến Bến Tre đã gây thiệt hại năng về người và tài sản. Mưa lớn kết hợp với triều cường cũng làm ngập nặng nhiều khu vực đô thị trũng thấp tại Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh…

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, cống, đập ngăn mặn, đê bao chống ngập, kênh trục và hệ thống ngăn triều, tiêu thoát nước đô thị…; tổ chức tuần tra, phát hiện và huy động nguồn lực, lực lượng xử lý ngay từ giờ đầu. Đối với bờ biển, áp dụng các giải pháp cứng đã bước đầu phát huy hiệu quả tại biển Tây và điều chỉnh hàng ngoài cọc nghiêng xếp đá to theo khuyến cáo của chuyên gia Đức, đồng thời, áp dụng thí điểm giải pháp thân thiện với môi trường, giá thành thấp, vật liệu địa phương để gây bồi, tiếp tục tạo bãi trồng rừng ngập mặn ở một số khu vực biển Đông.

Năm 2018, tại khu vực Nam Bộ xảy ra 14/21 loại hình thiên tai, trong đó, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn nhất là lũ Đồng bằng sông Cửu Long và bão số 9; xảy ra 123 trận mưa đá, dông, lốc, sét (chiếm 55% số trận cả nước), 441 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển làm 10 người chết và mất tích, bị thương 13 người. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 118 tỷ đồng.

Đầu năm 2019 đến nay, Nam Bộ đã chịu ảnh hưởng của bão số 1, 76 trận dông, lốc sét, 188 điểm sạt lở, làm 5 người chết, 19 người bị thương và thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, tài sản của nhân dân.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: