Miệt mài “đo gió, đếm mây”

Đăng ngày: 26-03-2020 | Lượt xem: 5416
Bất kể lúc trời mưa bão hay sóng to, gió lớn, những người làm nghề quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV) ở vùng ven biển Thái Bình vẫn miệt mài lao động ngày đêm để có được một bản tin dự báo thời tiết ngắn ngủi bất chấp hiểm nguy.

Mỗi ngày đều ngó nghiêng nhìn trời, ngắm mây, ghi ghi, chép chép; những khi có mưa bão thức trắng đêm để quan trắc và điện báo về các Trung tâm dự báo thời tiết. Đó là công việc thường nhật của Cán bộ, nhân viên Trạm Thủy văn Triều Dương, Đài KTTV Đồng bằng Bắc Bộ.

Giữa lằn ranh sống, chết

Nghề KTTV là phải bám trạm, đã làm việc thì phải ăn, ở, ngủ, nghỉ tại trạm, căn phòng này cả 365 ngày luôn sáng đèn bởi lúc nào cũng có người canh và đo đạc số liệu.

25 năm gắn bó với nghề khí tượng, anh Ngô Quốc Vương, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Triều Dương chia sẻ, trong mỗi ca trực, người quan trắc lặng thầm với công việc quan sát hướng gió, đo mưa, đo nắng... Từ số liệu thô, người đo tính toán, mã hóa dữ liệu theo quy ước chung truyền về Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Do vậy, người đo phải cập nhật kết quả liên tục, chính xác đến mức tuyệt đối cả về thời gian lẫn số liệu. Chỉ cần chệch một chút, số liệu thay đổi, kết quả dự báo thiếu chuẩn xác có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Nhiệm vụ của những người quan trắc viên ngoài việc đo mây, gió, nhiệt độ, độ ẩm không khí trên mặt đất, còn phải theo dõi độ lên xuống của thủy triều, sóng biển, nhiệt độ nước biển... Dù làm mảng nào, quan trắc viên cũng phải có mặt trước ca trực 30 phút, kiểm tra dụng cụ, sổ sách, khắc phục sự cố trước lúc bắt tay vào việc. Khi các hiện tượng mưa đá, lốc xoáy, dông sét... xảy ra, người quan trắc cũng báo cáo tỷ mỷ thời gian, địa điểm, hậu quả để chuyên gia dự báo kịp thời đưa ra nhận định, khuyến cáo cho người dân.

Anh Ngô Quốc Vương, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Triều Dương vận hành sáng kiến bình điều tiết ống xi phông của giếng tự ghi mực nước và đấu nối cáp đo ADCP bị hỏng

Mùa bão, nước dâng cao, xuống thấp bất thường, người làm KTTV hầu như thức trắng đêm, dầm mình dưới mưa gió lấy số liệu truyền đi liên tục để có bản tin dự báo nóng hổi. Mỗi người đảm nhận một việc, người ghi chép thông số, người đo mực nước, người đo gió, đo mưa...

Mấy chục năm gắn bó với nghiệp quan trắc, anh Vương không nhớ hết những khó khăn, bao nhiêu lần đối mặt với nguy hiểm, sợ hãi, lo lắng trước sự khủng khiếp của thiên nhiên. Nhớ lại mùa lũ năm 2009, anh Vương chia sẻ cảm xúc vẫn vẹn nguyên của giây phút đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết khi nhắc lại câu chuyện gần 6 giờ lênh đênh trong đêm giữa lúc bão đổ bộ.

Anh Vương kể lại: “Năm ấy, sau khi đo lượng nước xong khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi nhận được lệnh tránh bão; 12 giờ đêm bão đổ bộ, suốt từ đó đến gần 6 giờ sáng, chúng tôi nổ máy để đưa tàu vào bờ, nhưng vì sóng to, gió thổi mạnh quất vào mắt anh, con tàu “không chịu đi” cứ ngả nghiêng, chồm lên rồi lại hạ xuống, khi tàu vào đến bờ thì đứt dây cáp. Lúc ấy, ai cũng nghĩ là tàu sẽ chìm, đến khi trời sáng vào được bờ mới biết là mình còn sống”.

Công việc dự báo thời tiết hết sức khó khăn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một hiện hữu với tính chất “dị thường hơn, cực đoan hơn”. Bởi vậy, những rủi ro với người làm công tác KTTV càng tăng lên gấp bội. “Thế nhưng, bằng sự cố gắng, nỗ lực của các dự báo viên, chúng tôi cố gắng ra được những bản tin dự báo đầy đủ, kịp thời”, ông Phạm Quốc Hưng, Giám đốc Đài KTTV tỉnh Thái Bình nói.

Ông Hưng cho biết, Khi cơn bão số 1 năm 2016 đổ bộ vào Thái Bình đêm 27 rạng sáng ngày 28/7/2016. Lúc ấy, trên tất cả các dữ liệu quan trắc ở khu vực ven biển Thái Bình chỉ có duy nhất trạm Ba Lạt quan trắc được tốc độ gió, không có các yếu tố về khí áp. Chúng tôi chỉ bám sát vào dự báo của Trung ương, còn số liệu thực tế khí áp khu vực đó để xem tâm bão đã vào chưa thì chưa nắm được. Mặc dù vậy, chúng tôi đã bám sát và dự báo sát về diễn biến cơn bão đó. 

Sáng kiến trong gian khó

Có thể nói, khó khăn lớn nhất đối của Đài KTTV tỉnh Thái Bình vẫn là trang thiết bị máy móc như: Hệ thống máy tính chuyên dụng để chạy các sản phẩm phần mềm phục vụ cho công tác dự báo. Bên cạnh đó, chuyên môn, tay nghề, số lượng của các dự báo viên cũng là trở ngại lớn.

Theo ông Hưng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 6 trạm khí tượng, trạm thủy văn, 6 điểm đo mặn, 13 điểm đo mưa chuyên dùng. Nhìn chung, mạng lưới trạm KTTV cơ bản đáp ứng nguồn dữ liệu phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh. Bộ phận dự báo của Đài có 8 dự báo viên được đào tạo cơ bản, tuy vậy, khả năng tiếp công nghệ dự báo mới, sản phẩm dự báo tiên tiến, hiện đại trên thế giới còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục những thách thức, đáp ứng tốt công tác quan trắc, thông tin đến dự báo, cảnh báo, cán bộ, nhân viên Đài KTTV Thái Bình đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quan trắc, thông tin và dự báo.

Trạm đo lưu lượng nước của Trạm Thủy văn Triều Dương

Ông Hưng cho biết, với đặc thù một tỉnh ven biển, Thái Bình chịu rất nhiều thiên tai từ biển, nhất là nước dâng, thủy triều gây thiệt hại rất lớn. Trong khi, chưa có các sản phẩm dự báo riêng của tỉnh; trước thực tế đó, Đài KTTV Thái Bình đã xây dựng và thực hiện các đề tài đáp ứng công tác dự báo khi có bão xảy ra với tỉnh Thái Bình.

Trong đó, thông qua đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng mô hình thực nghiệm giám sát trạm đo mưa tự động” triển khai lắp đặt các trạm đo mưa tự động và xây dựng hệ thống phấn mềm quản lý, khai thác các dữ liệu mưa phục vụ cho dự báo các đợt mưa, ngập úng trên địa bàn tỉnh.

“Từ khi mạng lưới đo mưa tự động cùng với sản phẩm phần mềm được khai thác đã bám sát diễn biến mưa theo thời gian thực và có thể cung cấp bất cứ lúc nào cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai; từ đó, đề ra    các biện pháp ứng phó khi xảy ra ngập lụt”, ông Hưng hồ hởi.

Đặc biệt, với đề tài “nghiên cứu, xây dựng mô hình dự báo nước dâng, sóng lớn gây ngập lụt ven biển tỉnh Thái Bình” vừa được nghiệm thu trong năm 2019, ông Hưng đánh giá, sản phẩm của đề tài sẽ giúp dự báo ngập lụt cụ thể đến từng chi tiết, từng khu vưc nhỏ của khu vực ven biển tỉnh Thái Bình; từ đó, đề ra biện pháp bảo vệ an toàn của người dân khi xảy ra ngập lụt với khu vực nhỏ.

Có lẽ với anh Hưng, anh Vương và tất cả những người làm công tác dự báo sự “đỏng đảnh” của trời đất, khó khăn là chuyện “như cơm bữa”. Nhưng dù đảm nhận công việc quan trắc hay xử lý số liệu cho ra bản tin dự báo, họ vẫn luôn cố gắng hết mình để có kết quả chuẩn xác nhất. Những bản tin dự báo KTTV mà ngành đưa ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ là minh chứng sống động nhất của lòng nhiệt huyết, sự say nghề, vượt qua những khó khăn, vất vả và cả nỗi buồn, sự cô đơn để bám nghề.

“Ngành KTTV hoạt động ở nhiều vùng miền khác nhau, thu nhập không cao dẫn đến không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Để giải quyết vấn đề này, Tổng cục KTTV cố gắng tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có với phương án đào tạo, đào tạo lại; cử những đoàn chuyên gia, cán bộ trong nước đi học tập, đào tạo chuyên sâu ở các nước tiên tiến trên thế giới để có thể thu nhận các kiến thức về: quản lý hệ thống thiết bị tự động, vận hành hệ thống radar hiện đại, vận hành hệ thống máy tính, mô hình dự báo hiện đại. Sau đó, đào tạo lại các nhóm cán bộ ở Trung ương và lan tỏa dần về các địa phương. Với từng bước như vậy, hy vọng trong thời gian ngắn nữa, chúng tôi sẽ có được đội ngũ chuyên gia dự báo từ Trung ương tới địa phương đáp ứng được yêu cầu dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai hiện nay", ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: