Khẩn trương phòng, chống cháy rừng ở Tây Nam Bộ

Đăng ngày: 08-04-2021 | Lượt xem: 1405
Bài 1: Nguy cơ cháy rừng cao Vùng Tây Nam Bộ có khoảng 347.500 ha rừng, với các hệ sinh thái như: Rừng đầm lầy than bùn, rừng tràm, rừng ngập mặn, rừng đồi núi. Với các mô hình quản lý như vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, vườn - sân chim, diện tích rừng ở khu vực có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cân bằng môi trường sinh thái cho toàn vùng, tạo sinh kế cho người dân...  

Khi "lá phổi" bắt đầu khô

Chúng tôi trở lại VQG U Minh Hạ vào cuối tháng 3, nơi có hơn 8.500 ha rừng đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Ðường rừng mùa này thông thoáng, hai lề được san gạt, phát quang, xe cơ giới lăn bánh dễ dàng. 12 giờ trưa, nắng trên đỉnh đầu. Dưới tán rừng tràm già là thảm thực vật khô khốc, không còn nước. Lớp thực bì và lớp than bùn cùng trong tình trạng tương tự. Ðeo bám vào thân tràm là nhiều loại dây leo, đang héo lá, úa vàng. Giám đốc VQG U Minh Hạ Huỳnh Minh Nguyên nói: "Tình hình ngày càng căng thẳng. Bởi lớp thực bì đã khô, không còn độ ẩm nữa, khi cháy sẽ rất khó chữa và dập lửa".

Chúng tôi thăm đội quản lý bảo vệ rừng T21-90 (gọi tắt là chốt T21-90), một trong 22 chốt trực phòng, chống cháy rừng (PCCCR) của VQG U Minh Hạ. Bên cạnh chốt T21-90 là tháp canh lửa, cao khoảng 18 m. Anh Trần Quốc Khánh trực trên tháp chia sẻ: "Cực nhất là từ 11 giờ trưa đến bốn giờ chiều, thời gian này rừng rất dễ cháy, vì "thợ rừng" còn lẻn vào lấy mật ong. Nếu không phát hiện kịp, chỉ cần sót lại tàn lửa nhỏ là đám lửa to bùng phát". Anh Nguyễn Hoàng Triệu, thành viên của chốt T21-90 cho biết thêm: Bốn thành viên của chốt luân phiên canh lửa, hai tiếng đổi ca một lần. Xoay vòng trực cho đến khi sương đêm buông xuống mới được đi ngủ.

Tình hình tại VQG U Minh Thượng cũng tương tự. U Minh là rừng đầm lầy than bùn còn duy nhất ở Việt Nam, nên có tầm quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế. Phó Giám đốc VQG U Minh Thượng Trần Văn Thắng cho biết: VQG U Minh Thượng có hơn 21.000 ha rừng, trong đó hơn 8.000 ha rừng đặc dụng, Hiện nay, nhiều khu vực đang ở mức cảnh báo cháy cao, công tác canh lửa cho "lá phổi" này được triển khai một cách nghiêm ngặt. Trong năm, VQG có sáu tháng ngập nước, sáu tháng khô nước để cây tràm sinh trưởng và phát triển. Mùa này, mực nước ngầm thấp hơn mực nước than bùn từ 40 đến 80 cm, nóng kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, nhiệt độ lên tới 38 - 39oC, có khi cao hơn. Nắng nóng kéo dài nên dây leo như choại, dớn, lá tràm và thảm thực vật khô ráp, tạo ra nguồn nhiên liệu khổng lồ khoảng 15 - 22 tấn/ha, rất dễ bắt lửa. "Rừng tràm trên đất than bùn ở U Minh khi cháy xảy ra ba kiểu là cháy lan mặt đất, cháy lướt tán rừng và cháy ngầm… Các kiểu cháy này đều rất nguy hiểm. Bởi, với đặc điểm có lớp thực bì dày trên mặt đất qua tích tụ nhiều năm và phát triển trên lớp than bùn, cộng với cây tràm có tinh dầu nên khi gặp thời tiết không thuận lợi có nguồn lửa là xảy ra cháy lớn, rất khó dập tắt", ông Thắng nói.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Khu bảo tồn) cũng được ví như một "lá phổi" của vùng Tây Nam Bộ. Nằm ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), Khu bảo tồn có hơn 2.800 ha rừng và hiện các ngành chức năng đang siết chặt PCCCR. Theo Giám đốc Khu bảo tồn Lư Xuân Hội, các phương tiện, dụng cụ và trang thiết bị cũng như kế hoạch, phương án phục vụ công tác PCCCR đều đã được chuẩn bị sẵn sàng, nghiêm túc. Từ giữa tháng 3, khi cấp độ cháy rừng được nâng lên cấp III, đơn vị bắt đầu phân công lực lượng tăng cường kiểm tra bảo vệ rừng và trực hệ thống quan sát trên năm tháp canh kiên cố có trang bị ống nhòm từ xa và hai ca-mê-ra quan sát. Ông Hội cho biết: "Hằng năm, vào mùa khô, lo ngại nhất là khu Gò Lức - nơi có nền đất gò cao nhất. Năm nay, tỉnh trang bị cho Khu bảo tồn hai chiếc thuyền bơm. Có phương tiện này, nơi nào thiếu độ ẩm, chúng tôi sẽ bơm tưới ngay".

Quá nhiều mối lo

Gần một giờ đồng hồ trên chiếc vỏ lãi, chúng tôi len lỏi qua các con kênh đã cạn nước để vào khu rừng tràm Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). Anh Nguyễn Tấn Nam, Ðội trưởng Ðội Cơ động và PCCCR thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: "Vào mùa này, dấu hiệu cây khô héo, cành cây, gốc cây trơ lại rất dễ bén lửa. Hơn nữa, nắng hạn, nguồn nước dưới kênh cạn, làm cho nền đất cũng khô". Hơn 30 năm làm nhiệm vụ canh rừng, anh Ðỗ Xuân Dần, Giám đốc Phân trường Mỹ Phước 2 cho biết: "Ngay từ đầu mùa khô, công ty đã triển khai kế hoạch PCCCR. Các tổ bảo vệ rừng đã được kiện toàn, ngày đêm canh gác, kiên quyết không để xảy ra cháy". Sóc Trăng có khoảng 11.000 ha đất rừng, trong đó rừng đặc dụng chỉ 269 ha, còn lại là rừng phòng hộ (6.813,3 ha) và rừng sản xuất (3.623,5 ha). Phần rừng sản xuất tập trung ở các phân trường Mỹ Phước 1, Mỹ Phước thuộc huyện Mỹ Tú; Phân trường Phú Lợi ở huyện Châu Thành và Phân trường Thạnh Trị thuộc thị xã Ngã Năm. Ðây là những khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao hơn, luôn được bảo vệ nghiêm ngặt vào mùa khô.

Vùng Bảy Núi là nơi tập trung các cánh rừng trọng điểm của tỉnh An Giang với khoảng 16.868 ha. Từ tháng 2 đến tháng 7, vùng này như chảo lửa. Rừng tập trung nơi núi cao, địa hình dốc đứng nên việc vận chuyển phương tiện khó khăn và rất khan hiếm nguồn nước. Trong khi đó, mùa khô lại trùng với mùa lễ hội của tỉnh. Ðốt nhang, đốt vàng mã không kiểm soát cũng có thể nhấn chìm các cánh rừng trong biển lửa. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ: Trong tháng 3, tại huyện Tri Tôn đã xảy ra ba vụ cháy. Năm 2020, An Giang có 13 vụ cháy rừng. Nguyên nhân do người dân bất cẩn trong sử dụng lửa, khách hành hương đốt nhang, đốt vàng mã. Hiện lực lượng kiểm lâm và các đội chữa cháy tình nguyện đã củng cố và kiện toàn lực lượng, triển khai tập huấn xử lý các tình huống cháy rừng để nâng cao nghiệp vụ, ứng trực 100% quân số trong các ngày nghỉ, ngày lễ trong tháng cao điểm mùa khô.

Mùa khô, mưa trái mùa cũng là một mối lo. Tỉnh Ðồng Tháp có hơn 12.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng hơn 7.000 ha thuộc VQG Tràm Chim, Khu di tích Xẻo Quít, Khu di tích Gò Tháp. Trong tháng 3, một số địa bàn trong tỉnh đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa. Ðây cũng là thời gian thường xuyên xảy ra các vụ cháy rừng bởi do mưa, vật liệu cháy được rửa trôi các lớp bùn, bụi nên rất tơi xốp, dễ bắt lửa. Năm nay thời tiết thất thường và có nhiệt độ nóng nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Cũng giống như nhiều cánh rừng ở Ðồng Tháp, tại rừng phòng hộ Bắc Tháp Mười có đội giữ rừng tuần tra bảo vệ rừng bằng vỏ tắc ráng và xe mô-tô, nhưng nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến cuối tháng 3, tại lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo của Cà Mau đã có hơn 44.500 ha khô hạn. Trong đó, hơn 13.500 ha rừng báo cháy mức độ III và hơn 3.500 ha dự báo ở cấp IV. Lo ngại nhất là lâm phần VQG U Minh Hạ đã có hơn 3.000 ha dự báo cháy cấp III và hơn 423 ha báo cháy cấp IV. Trong khi chỉ cách đó một tuần, nơi đây chưa có diện tích chuyển sang cấp nguy hiểm. "Nếu tình hình nắng nóng tiếp tục gay gắt, cảnh báo cháy rừng có thể tăng lên và cấp cảnh báo cháy cũng tăng lên cấp cao nhất trong thang cảnh báo cháy rừng" - Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Cà Mau Lê Văn Hải lo lắng nói.

Theo Báo điện tử Nhân dân

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: