Góp ý vào các văn bản luật về khí tượng thủy văn: Góp phần phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai

Đăng ngày: 22-06-2019 | Lượt xem: 1131
Xây dựng khung khổ pháp lý về khí tượng thủy văn bảo đảm điều kiện cho các hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục khí tượng thủy văn cho biết, sau gần 3 năm triển khai Luật  khí tượng thủy văn, dù đã đạt được một số kết quả nhưng các văn bản quy định chi tiết luật vẫn còn một số hạn chế, cần tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện.

Trong năm 2019, Tổng cục  khí tượng thủy văn được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao xây dựng 03 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ gồm: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2016/NĐ-CP (NĐ38) quy định chi tiết một số điều của Luật  khí tượng thủy văn; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước. Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg (QĐ 46) về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

Tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật  khí tượng thủy văn năm 2019 và tăng cường hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ  phát triển kinh tế xã hội các tỉnh khu vực miền Trung do Tổng cục  khí tượng thủy văn và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hôm qua (21/6), nhiều đại biểu băn khoăn về những quy định cảnh báo lũ hiện nay không còn phù hợp dẫn tới tình trạng lũ về chết người vẫn chưa cảnh báo. Hay tại Tây Nguyên, mùa cạn  khí tượng thủy văn vẫn cảnh báo lũ vì liên quan đến hoạt động của thủy điện, báo động cấp 1 vẫn phải cảnh báo cho dân. Theo đó, việc cảnh báo sớm phải đưa vào luật. 

Thông tin  khí tượng thủy văn là một trong thông tin căn bản để phục vụ hoạch định các chính sách, biện pháp nhằm phát triển kinh tế xã hội; phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; bảo đảm an toàn cuộc sống và tài sản của người dân, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc hiện nay.   

Những bản tin cảnh báo, dự báo cũng như các thông tin  khí tượng thủy văn phục vụ hoạt động của nhiều ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, bảo vệ môi trường, quy hoạch dân cư, đô thị, quốc phòng an ninh, các hoạt động trên biển gồm: đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, khai thác dầu khí, xây dựng, đặc biệt là hàng không, hàng hải... 

Việt Nam với các đặc điểm địa hình và điều kiện địa lý được đánh giá là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Thông tin  khí tượng thủy văn có một vai trò hết sức quan trọng không chỉ phục vụ cho giám sát biến đổi khí hậu mà còn phục vụ cho thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu dù ở bất cứ quy mô nào. 

Hiện nay, có tất cả 21 loại thiên tai, tuy nhiên trong Quyết định 46 mới quy định 19 loại. Miền Trung có bề ngang hẹp nên tập trung lũ  nhanh, để đảm bảo an toàn hồ chứa thì dung tích hồ chứa dưới 1 triệu m3 cũng phải quy định có một trạm thủy văn, không phải 3 triệu m3 trở lên như trong dự thảo. Thực tế dòng chảy các sông sinh ra lũ, lũ phụ thuộc vào lưu vực sông. Mức độ lũ đến ngưỡng nào thì phải quyết định xả lũ, cần đưa ra quy chuẩn bao nhiêu thì xây dựng một trạm thủy văn. Quy định về cơ chế xả lũ, nếu quy định quá chi tiết, quá nhỏ sẽ khó thực thi. 

Về phần bản tin dự báo, theo đại diện Chi cục Thủy lợi Quảng Ngãi, nội dung bản tin phải phù hợp với địa phương và với dân trí của người dân. Các đài phát thanh, truyền hình tỉnh nên so sánh với thiên tai lịch sử, bão hay lũ để người dân dễ hiểu, hình dung được. Các bản tin như hiện nay, người dân không hiểu được những khái niệm như lượng mưa lớn hay nhỏ hơn cùng kỳ nhiều năm hay mức 1, mức 2 là gì.

Ngôn ngữ các bản tin phải là ngôn ngữ bản địa nếu địa phương đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do chưa có quy định nên hiện nay người làm chuyên môn không dám thay đổi ngôn ngữ các bản tin dự báo, trong khi đó, người dân lại không nắm được  khí tượng thủy văn dự báo gì. Về thời gian hoàn thiện bản tin là 15 phút, các đại biểu kiến nghị nên quy định là sau 15 phút bởi sau khi nhận tin cảnh báo bão lũ của cơ quan  khí tượng thủy văn đến khi hoàn thiện thì 15 phút chưa đủ, chưa chuyển được tin đến các đối tượng. Đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình đề nghị định nghĩa rõ những khái niệm như cực đoan, rủi ro, nguy cơ, ngập lụt hạ du...

Đại diện doanh nghiệp duy nhất có giấy phép về dự báo thời tiết là Công ty Agri Media đề nghị có quy định cụ thể đối với quan trắc điện gió, điện mặt trời v.v... Việc truyền tin thiên tai, tại Đài Loan, chỉ sau 30 giây toàn bộ điện thoại di động của người dân đã nhận được thảm họa đã, đang xảy ra ở đâu, Việt Nam cũng nên luật hóa vấn đề này. 

Theo baophapluat.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: