Giảm tác động của thiên tai đến phát triển kinh tế

Đăng ngày: 11-06-2019 | Lượt xem: 1356
Trong một báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), mức thiệt hại kinh tế trung bình do thiên tai của Việt Nam trong hai thập kỷ qua là 1,5%/năm và được dự đoán sẽ tăng mạnh, lên mức 3% vào năm 2050 và tới 7% vào năm 2100 - một trong những mức tăng cao nhất trên thế giới.
T8ac
Cần tăng cường nghiên cứu và điều tra cơ bản về tình trạng sụt lún đất, xói lở/sạt lở vùng ven biển và ven sông. Ảnh: MH

Cơ sở chống chịu yếu

Báo cáo "Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước an toàn, sạch và bền vững" của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra, trong số 84 quốc gia ven biển, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chịu rủi ro cao nhất bởi biến đổi khí hậu vì những tác động đến dân số, GDP, đến khu vực đô thị và khu vực đất ngập nước.

Những sự kiện thời tiết cực đoan và thiên tai gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, ước tính thiệt hại khoảng 1,5% GDP mỗi năm, chưa bao gồm chi phí các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải gián đoạn hoạt động. Một đánh giá rủi ro được thực hiện bởi Chính phủ với hỗ trợ kỹ thuật của WB ước tính, một lượng tài sản trị giá 1,3 nghìn tỷ USD ở Việt Nam đang đối mặt với rủi ro do thiên tai, nhưng chỉ có khoảng 5% trong số này có bảo hiểm.

Mức độ thiệt hại và chi phí khắc phục từ những đợt thiên tai gần đây cho thấy, thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, không đủ khả năng chống chịu với lũ lụt, bão, và hạn hán… Đặc biệt, hệ thống đê điều, công trình thủy lợi và giao thông thủy tại nhiều địa phương đã xuống cấp nghiêm trọng. Mức an toàn công trình và phi công trình thường thấp hơn các tiêu chuẩn quốc tế đã được chấp nhận, làm gia tăng rủi ro và những bất trắc phát sinh bởi thay đổi thủy văn do biến đổi khí hậu và xả lũ hồ chứa thượng nguồn ở nước ngoài. Thiên tai ảnh hưởng đến nguồn sinh kế và tài sản của người dân, khiến cho các hộ dân bị ảnh ưởng khó phục hồi, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, vốn đã có khả năng thích ứng kém nhất

WB nhận định, thách thức hiện nay là việc tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai tại Việt Nam vẫn còn phân tán và thiếu phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cộng đồng; không đủ nguồn lực và thiếu tích hợp các nhu cầu thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các dự báo đều chỉ ra, BĐKH sẽ làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai trong nhiều năm tới. Mặc dù, có những đầu tư lớn cho các kế hoạch phòng tránh tốt hơn, Việt Nam vẫn phải đối mặt với thiếu hụt về tài chính để giải quyết thiệt hại do thiên tai. Khả năng tài chính hiện tại của quốc gia chỉ đáp ứng khoảng 21% nhu cầu ước tính cho tái thiết và phục hồi khẩn cấp.

Tăng cường thể chế quản lý rủi ro thiên tai

WB khẳng định, Việt Nam đã đầu tư nhiều hơn vào quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH trong những năm gần đây, nhưng cần có một cách tiếp cận toàn diện hơn để thể chế hóa, định hướng quy hoạch các hoạt động thích ứng mang tính dài hạn, giải quyết những tổn thương cụ thể và nguyên nhân của chúng. Đó là một trong những khuyến nghị chính dành cho Việt Nam.

Kinh nghiệm toàn cầu cho thấy, thiên tai có tác động đến nền kinh tế vĩ mô trong dài hạn và làm giảm kết quả phát triển trong cả một giai đoạn. Với những rủi ro đang phải đối mặt, Việt Nam cần lập chiến lược và phối hợp thực hiện các biện pháp quan trọng và nỗ lực phục hồi, giải quyết các tác động của các rủi ro khác liên quan đến khí hậu, hướng tới khả năng thích ứng với khí hậu tốt hơn. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần đánh giá và cố gắng giải quyết các thách thức; phối hợp và thực thi đa ngành bằng cách nâng cao hiệu quả và phối hợp theo chiều ngang giữa các ngành cũng như theo chiều dọc ở cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp tỉnh.

Trong trung hạn, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cần phát huy vai trò thúc đẩy phối hợp liên Bộ và đóng vai trò tư vấn cho quản lý tổng hợp rủi ro thiên tai. Về lâu dài, quản lý rủi ro thiên tai và các biện pháp thích ứng với BĐKH cần được lồng ghép vào quy hoạch quản lý tài nguyên và sử dụng đất cho tất cả các ngành nhạy cảm với khí hậu. Cần tăng cường nghiên cứu về các rủi ro để xác định giải pháp, đặc biệt, nghiên cứu và điều tra cơ bản về tình trạng sụt lún đất, xói lở/sạt lở vùng ven biển và ven sông.

Một vấn đề cần chú trọng nữa là cải thiện lập kế hoạch tài chính. Bộ Tài chính có thể chủ trì trong lập kế hoạch tài chính cho thiên tai bằng cách tạo ra một chiến lược tài chính quản lý rủi ro thiên tai toàn diện. Việc phối hợp nhiều công cụ tài chính có thể giúp Chính phủ quản lý tốt hơn các chi phí cho thiên tai và đảm bảo rằng nguồn vốn sẽ được phân phối hiệu quả và đúng thời điểm. Ngoài ra, cần rà soát đánh giá lại việc phân bổ kinh phí giữa ngăn ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả rủi ro thiên tai; tập trung vào ngăn ngừa rủi ro.

Với những khó khăn về tài chính, chính phủ cũng có thể tìm đến các thị trường vốn và bảo hiểm để đảm bảo nguồn vốn từ khu vực tư nhân, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, kết hợp các cơ chế huy động vốn từ khối tư nhân và xã hội dân sự.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: