Đồng Nai: Chủ động phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão

Đăng ngày: 20-04-2023 | Lượt xem: 1923
Hiện tại là thời điểm cuối mùa khô, có thể xuất hiện mưa lớn cục bộ, dông, lốc, sét, mưa đá. Do đó, Đồng Nai đang chủ động dự báo, nhận diện các nguy cơ xảy ra thiên tai, xây dựng kế hoạch phòng thiên tai để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mùa mưa năm 2023 đến sớm hơn trung bình nhiều năm, bắt đầu vào khoảng cuối tháng 4. Thời kỳ chuyển mùa từ đầu tháng 4. Đây là giai đoạn có thể xảy ra mưa lớn cục bộ, dông, lốc, sét, mưa đá xuất hiện nhiều với cường độ mạnh.

Bên cạnh đó, dự báo năm 2023, sẽ có từ 12-15 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Trong đó, khoảng 4-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, cao hơn trung bình nhiều năm. Do đó, cần đề phòng mưa lớn cục bộ, bão, áp thấp nhiệt đới có hướng di chuyển phức tạp hoạt động vào cuối mùa mưa.

Mực nước hồ Trị An tại Đồng Nai đang xuống thấp khiến diện tích mặt nước lòng hồ bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi cá lồng bè tại đây.

Mực nước hồ Trị An tại Đồng Nai đang xuống thấp khiến diện tích mặt nước lòng hồ bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi cá lồng bè tại đây.

Theo ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, mưa trái mùa xuất hiện nhiều nơi trong tỉnh, có nơi mưa vừa và mưa to. Vào nửa cuối tháng 4 và tháng 5, người dân tại Đồng Nai phải đề phòng dông lốc, sét, mưa đá xuất hiện nhiều với cường độ mạnh.

“Dự báo, mùa mưa năm 2023, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh xấp xỉ hoặc nhiều hơn so với trung bình nhiều năm; nhiệt độ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm. Lũ đầu mùa có khả năng xảy ra vào khoảng tháng 7, lưu lượng nước về hồ Trị An các tháng mùa mưa cao hơn mọi năm”, ông Huy cho biết thêm.

Trước đó, năm 2022, nhờ chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng tránh, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh không gây thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản cũng ít hơn so với mọi năm. Các thiệt hại về tài sản chủ yếu gồm: nhà dân bị ngập, tốc mái, cây trồng bị ngập lụt, gãy đổ…với tổng thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng.

So với nhiều tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung, Đồng Nai ít bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu làm thời tiết thất thường cũng gây thiệt hại về kinh tế. Theo ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất, năm 2022, trên địa bàn huyện xảy ra một số thiên tai như mưa kéo dài gây ngập cục bộ, thiệt hại về nhà cửa, cây trồng, ao cá…

“Từ đầu năm đến nay, thời tiết thất thường, nhất là xuất hiện tình trạng mưa trái mùa cũng ảnh hưởng đến năng suất một số cây trồng như: xoài, điều, sầu riêng… Địa phương rất quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão năm 2023; tuyên truyền cho người dân để nâng cao ý thức phòng chống, ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra”, ông Cương cho biết thêm.

Hiện mực nước hồ Trị An tại Đồng Nai đang xuống thấp khiến diện tích mặt nước lòng hồ bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An. Theo ông Nguyễn Hữu Khánh Ngọc, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Trị An, hiện mực nước của hồ Trị An là 53,4m, dung tích hữu ích 372 triệu m3, thấp hơn so với năm 2022. Diễn biến mùa khô năm nay, lượng nước của hồ Trị An không đạt như dự kiến nhưng vẫn đảm bảo được nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng hạ du.

Công ty Thủy điện Trị An đã có kế hoạch phòng chống lụt bão năm 2023.

Công ty Thủy điện Trị An đã có kế hoạch phòng chống lụt bão năm 2023.

“Dự kiến từ ngày 25-4 bắt đầu vào mùa mưa, đây là thuận lợi đảm bảo nước sinh hoạt và nguồn nước tưới tiêu cho vùng hạ du. Công ty Thủy điện Trị An đã có kế hoạch phòng chống lụt bão năm 2023. Theo đó sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai phương án ứng phó tình huống khẩn cấp liên quan đến khu vực hạ du”, ông Ngọc cho hay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi yêu cầu các địa phương phải tiếp tục chú trọng xem xét, nhận diện các nguy cơ xảy ra thiên tai trên địa bàn làm cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể, hiệu quả trong công tác phòng thiên tai để hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế.

Đặc biệt, hiện đang vào thời điểm giao mùa nên nguy cơ cao các khu vực nuôi cá lồng bè tại TP. Biên Hòa, H.Định Quán xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Chính vì vậy, cần chủ động xây dựng giải pháp ứng phó, nhất là chú trọng công tác tuyên truyền đến người nuôi thực hiên di dời khỏi khu vực nguy cơ để tránh thiệt hại.

Yến Thanh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/dong-nai-chu-dong-phong-chong-thien-tai-truoc-mua-mua-bao-76900.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: