Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trước mùa mưa bão - Kỳ 4: Tăng cường quản lý, chống vi phạm Luật Đê điều

Đăng ngày: 06-06-2019 | Lượt xem: 951
Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Bên cạnh việc đầu tư hàng trăm tỷ đồng xử lý các sự cố về đê điều, TP Hà Nội đã tăng cường công tác quản lý, chống vi phạm Luật Đê điều.

Năm 2019, theo cơ quan Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo tiếp tục là năm có thời tiết phức tạp khó lường; khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có TP Hà Nội, khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Thời gian ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới tập trung chủ yếu vào các tháng 7, 8 và 9.

Mùa mưa năm nay có khả năng xuất hiện 6-8 đợt mưa vừa, mưa to diện rộng, tập trung chủ yếu từ tháng 5 - 10, với tổng lượng mưa 1.300-1.600mm. Có khả năng xuất hiện 6-8 đợt nắng nóng (từ 2 ngày trở lên); trong đó có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến ở mức 38-400C, khu vực nội thành 39-410C kèm hiệu ứng đô thị, nhiệt độ có lúc đạt khoảng 500C; xuất hiện các đợt nắng nóng tập trung từ tháng 5 - 7…

Dự án “Xử lý cấp bách sự cố sạt lở đê bao Thuần Lương, đê bao thôn Hòa Bình, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Khánh Phong

Cũng với đó là đầu tư nâng cấp, tu sửa, xây dựng mới một số công trình đê điều, thủy lợi, tiêu thoát úng đáp ứng được quy hoạch. Về lâu dài cần quy hoạch, sắp xếp lại sản xuất, bố trí lại dân cư cho phù hợp với đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, thích ứng với vùng thấp, trũng thường xuyên ngập úng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.Theo Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, từ nay đến hết năm 2019, TP Hà Nội cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; đặc biệt là nghiên cứu giải pháp ngăn lũ rừng ngang từ vùng núi Lương Sơn, Kim Bôi - Tỉnh Hòa Bình đổ về.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, chống vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai: Kiểm tra, phát hiện và kịp thời kiến nghị xử lý tới các cấp chính quyền; phối hợp và tham mưu đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND TP, Sở NN&PTNT về công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP, đặc biệt là các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều và khả năng chống lũ của các tuyến đê.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, trong năm 2018 trên địa bàn TP xảy ra 197 vụ vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai. Địa bàn xảy ra nhiều vi phạm là: huyện Thường Tín 36 vụ, huyện huyện Gia Lâm 32 vụ, huyện Ba Vì 22 vụ, huyện Sóc Sơn 19 vụ… Trong 4 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP phát sinh 56 vụ.
Các loại hình vi phạm chủ yếu là tình trạng xe quá tải trọng lưu thông trên một số tuyến đê. Đặc biệt là tại các địa bàn có nhiều bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông Hồng, sông Đuống, khu vực tập trung nhiều làng nghề ven đê tả Đáy, huyện Hoài Đức diễn biến phức tạp. Xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên đê đã làm cho nhiều đoạn đê bị hư hỏng, xuống cấp, giảm khả năng chống lũ cũng như ảnh hưởng đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê.

Hiện TP có 203 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng. Tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất tải lớn, nằm trong tuyến thoát lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống tập trung nhiều tại địa bàn các quận, huyện, thị xã: Ba Vì 17 bãi, Sơn Tây 16 bãi, Phúc Thọ 6 bãi, Đan Phượng 10 bãi… đã gây ảnh hưởng đến an toàn, ổn định của đê kè, bờ sông và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông công trình bảo vệ bờ và gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận. Một số bến bãi xảy ra tình trạng đổ đất thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông, đóng cọc cừ thép, đắp bờ quây sát mép bờ sông, gây cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ.

Trước thực trạng này, Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội đã tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm. Năm 2018 xử lý 50 vụ, trong đó có 19 vụ tồn đọng từ năm trước. Còn trong 4 tháng đầu năm 2019 xử lý được 9 vụ, trong đó có 6 vụ tồn đọng từ năm trước.

“Để tăng cường công tác bảo vệ đê điều Hà Nội cần phối hợp trong quản lý, ngăn chặn, xử lý và giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, các đơn vị, địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý đê điều trên địa bàn TP; xác định rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm của các cấp, các ngành, cá nhân có thẩm quyền. Đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; xử lý có hiệu quả các trường hợp về vi phạm và từng bước hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP”, ông Trần Thanh Mẫn cho biết.

Theo phapluatxahoi.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: