ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI

Đăng ngày: 23-11-2020 | Lượt xem: 1549
Thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội cho rằng bên cạnh tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thì việc phải giảm thiểu những tác hại do thiên tai, ảnh hưởng bất lợi lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn sinh mạng của người dân là một yêu cầu cấp thiết và lâu dài. Do đó các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp.

Cần có chiến lược phòng chống thiên tai trong giai đoạn mới

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Thu Trang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ trong tháng 10, bão lũ liên tiếp đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi. Quảng Ngãi nằm trong tâm bão số 9 phải chịu nhiều tổn thất nặng nề với 13 người bị thương, 325 nhà bị sập hoàn toàn, 140.000 nhà, 625 trường học, cơ sở giáo dục, y tế, nhà văn hóa thôn, xã bị tốc mái, hư hỏng và gần 110.000 hecta lúa, hoa màu, cây ăn quả, rừng phòng hộ bị thiệt hại nặng nề, 61 tàu cá bị chìm, hệ thống giao thông cầu đường thủy lợi, điện lưới và thông tin liên lạc bị hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại ước tính là 4.480 tỷ đồng. Trong thời điểm khó khăn, các tỉnh miền Trung và Quảng Ngãi nói riêng rất trân trọng và biết ơn sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh trong cả nước và các nhà hảo tâm đã tạo điều kiện cho các địa phương từng bước khắc phục những khó khăn, thiệt hại, ổn định cuộc sống.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi

Nhấn mạnh, hậu quả do thiên tai gây ra sẽ còn nhiều tổn thất, ảnh hưởng rất lớn và rất lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Phạm Thị Thu Trang cho rằng, bên cạnh tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thì việc phải giảm thiểu những tác hại do thiên tai, ảnh hưởng bất lợi lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn sinh mạng của người dân là một yêu cầu cấp thiết và lâu dài.

Bày tỏ đồng tình với giải pháp thứ tám về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong dự kiến phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đại biểu Phạm Thị Thu Trang cũng đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo một số giải pháp. Theo đó, giải pháp trước mắt, tiếp tục chỉ đạo việc hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ, phân bổ kịp thời ngân sách năm 2020 - 2021, nhu yếu phẩm, thuốc phòng dịch bệnh, vật tư cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng do ngập úng, bão lũ. Tăng cường chỉ đạo quyết liệt nhằm ứng phó với các cơn bão, thiên tai trong những tháng mùa mưa cuối năm nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Chỉ đạo phân tích, đánh giá và công bố thông tin chính thống về những nguyên nhân khách quan, chủ quan về biến đổi khí hậu, thời tiết rất phức tạp và khắc nghiệt như hiện nay. Đồng thời, sử dụng kết quả phân tích nguyên nhân như kim chỉ nam trong hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến môi trường và đánh giá tác động môi trường.

Về lâu dài, đại biểu cho rằng cần chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai như quy định về điều tra cơ bản, phòng, chống thiên tai đối với các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu đến diễn biến thiên tai. Bảo đảm nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai, trong việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành theo Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020.

Trên cơ sở điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai, cập nhật, phân vùng rủi ro thiên tai; lập bản đồ cảnh báo thiên tai, thực hiện việc quy hoạch, bố trí lại dân cư gắn với quy hoạch vùng sản xuất đối với các hộ dân vùng có nguy cơ ngập lũ, sạt lở núi và bờ biển, chịu tác hại do nước biển dâng và gắn với chính sách hỗ trợ về nhà ở, việc làm, đất sản xuất để bảo đảm ổn định lâu dài về an toàn tính mạng và sản xuất, hạn chế thiệt hại hằng năm.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí cho các tỉnh để xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho việc di dời dân từ những vùng có nguy cơ sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, lũ ống, lũ quét, v.v.. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các dự án liên quan đến việc thu hẹp, chuyển đổi đất rừng tự nhiên, đồng thời có giải pháp phù hợp, phải tính đến 30 năm, 50 năm để phục hồi và phát triển rừng tự nhiên. Tăng cường nguồn lực về phương tiện, thiết bị, lực lượng chuyên nghiệp bảo đảm các yêu cầu cơ bản trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với sự cố thiên tai. Hoàn thiện và thực hiện hiệu quả kế hoạch thực hiện chương trình cập nhật, phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước biển dâng, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn theo Quyết định 2441 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 23/9/2019.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Lưu ý diễn biến thiên tai thời gian qua diễn ra khó lường, tác động sâu rộng và để lại hậu quả nghiêm trọng cho miền Trung, do đó, công tác dự báo, cảnh báo là yêu cầu cấp bách nhằm chủ động phòng, tránh ảnh hưởng của thiên tai, đại biểu Phan Ngọc Thọ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Chính phủ đánh giá để có chiến lược phòng chống thiên tai trong giai đoạn mới, tiếp tục điều tra, đánh giá, nghiên cứu để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo và các giải pháp lâu dài cho việc phòng tránh tác động những hình thái thiên tai mới nhưng có xu thế xuất hiện ngày càng nhiều với tần suất càng cao như lở núi, lũ ống, lũ quét tại miền Trung.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn phòng chống thiên tai với phương châm 4 tại chỗ được phát huy có hiệu quả và đặc biệt Thừa Thiên Huế có phương châm thứ 5 là tự quản tại chỗ trong thời gian bạo lụt. Đại biểu cho rằng, để thực hiện hiệu quả tại chỗ, vấn đề là phải chuẩn bị trước khi bão lũ xảy ra về phương tiện, cơ sở vật chất, hậu cần trong công tác điều hành, chỉ huy tại chỗ với các khu vực có khả năng chia cắt, cô lập. Cứu hộ, cứu nạn, là nhiệm vụ đặc thù thực hiện trong điều kiện đặc biệt khó khăn về thời tiết cũng như địa hình, vì vậy cần có đội ngũ cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp.

Bảo đảm bố trí vốn cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị phân tích, trước diễn biến bất thường của thiên tai, nhu cầu bố trí dân cư, phòng tránh thiên tai, đặc biệt là các hộ ven biển, vùng ngập lụt, vùng sạt lở đất còn rất nhiều, trong khi nguồn vốn bố trí của nhà nước hằng năm quá thấp. Vốn sự nghiệp 5 năm, từ năm 2016 đến năm 2020 chỉ có 14 tỷ đồng, bình quân khoảng 2,8 tỷ đồng/1 năm, chỉ đáp ứng được khoảng 15% đến 20%, cho nên các nguồn lực khác tham gia vào một số nơi đã làm xong hầu hết các khu vực miền núi là các huyện nghèo, chủ yếu trông chờ vào ngân sách của Trung ương.

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ cho di dân mặc dù đã được Nhà nước nhiều lần thay đổi theo hướng điều chỉnh, hỗ trợ cao hơn đối với vùng đồng bằng, từ 20 triệu đồng/1 hộ và vùng miền núi từ 30 đến 35 triệu/1 hộ, song vẫn còn ở mức thấp, khó thực hiện, chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản của nhân dân đến định cư.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị

Đại biểu cho rằng, ngoài những vấn đề nhu cầu về phát triển nhà ở thì phát triển sản xuất bền vững cho người dân là vấn đề cần được quan tâm hơn cả, giúp người dân ổn định tư tưởng để định cư lâu dài tại nơi ở mới. Chính vì vậy, cần phải có chính sách riêng đối với khu vực miền núi về đào tạo nghề, hỗ trợ cây, con giống, vật tư thiết yếu, giúp người dân có tư liệu sản xuất, tạo sinh kế mới.

Trong khi cả nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì người dân thiên tai đang gặp khó khăn kép, đại dịch chưa qua bão lũ lại hoành hành. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021 cần bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là người bị ảnh hưởng bởi bão lũ lịch sử vừa qua.

Từ những khó khăn của Quảng Trị, nhìn rộng ra cả nước, tại kỳ họp này, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét dự toán năm 2021, cần dành một khoản đầu tư thích đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn, phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai hiệu quả, kịp thời; nghiên cứu các địa hình, địa chất, xác định vùng nguy hiểm ẩn chứa nhiều nguy cơ thiên tai để nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư. Dự báo trước nguy cơ để di dời dân, tái định cư kịp thời.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng cần ưu tiên cho mua sắm trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn, xây dựng hạ tầng các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Theo quochoi.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: