Công tác dự báo, cảnh báo bão số 4 được thực hiện kịp thời, đầy đủ

Đăng ngày: 31-08-2019 | Lượt xem: 891
Theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) về công tác dự báo phục vụ, đối với bão số 04, công tác dự báo, cảnh báo đã được thực hiện kịp thời, đầy đủ; các thông tin dự báo, cảnh báo đã được gửi đến các địa chỉ theo quy định.
đường đi bão số 4 1
Công tác dự báo bão số 4 luôn bám sát diễn biến của bão

Về diễn biến bão số 04, báo cáo nêu rõ, sáng 27/8, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên vùng biển phía Đông miền Trung Phi-líp-pin đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Podul với sức gió mạnh cấp 8 giật cấp 10.

 

Sau khi mạnh lên thành bão, bão Podul di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 30-35km/h. Sáng sớm ngày 28/8, bão Podul vượt qua đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 04 trong năm 2019.

 

Sau khi vào Biển Đông bão số 04 duy trì cường độ cấp 8, giật cấp 11 và di chuyển nhanh theo hướng Tây với tốc độ trung bình 30km/h. Tối cùng ngày, khi bão di chuyển vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa, cường độ bão mạnh cấp 9, giật cấp 11, di chuyển chậm hơn trước với tốc độ trung bình 25km/h.

 

Sáng sớm ngày 30/8, bão số 04 đã đi vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu nhanh thành ATNĐ và vùng áp thấp trên khu vực trung Lào.

 

Về ảnh hưởng của bão số 04, báo cáo nêu rõ, thời gian và khu vực đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp: Khoảng 01h00 đến 02h00 ngày 30/8, bão số 04 đi vào các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình (tâm bão đi giữa Ba Đồn và Đồng Hới). Khí áp thấp nhất quan trắc được khi bão đổ bộ tại trạm Đồng Hới (Quảng Bình) là 991.2mb.

 

Cường độ bão trên biển và khi đổ bộ: Trên biển bão số 04 duy trì cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11. Khi đổ bộ bão gây ra gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình; cấp 6-7, giật cấp 8-9 ở các tỉnh ven biển nam Đồng Bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Trị (Phụ lục 2).

 

Ảnh hưởng mưa do bão: Từ đêm 28/8 đến sáng 30/8 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi cao hơn như Lý Nhân (Thanh Hóa) 358mm. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to lượng mưa phổ biến 70-150mm, khu vực bắc Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-150mm.

Về công tác dự báo phục vụ,Tổng cục khí tượng thủy văn (KTTV) đã ra Công văn số 1114/TCKTTV-QLDB ngày 27 tháng 8 năm 2019 về việc tăng cường theo dõi, dự báo ảnh hưởng của cơn bão Podul đến các khu vực của Việt Nam; đồng thời Tổng cục Trưởng Tổng cục KTTV chỉ đạo tổ chức 02 buổi thảo luận trực tuyến với các Đài KTTV khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ các Đài KTTV tỉnh liên quan và các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Tổng cục Biển và Hải đảo,… nhằm đánh giá về tình hình bão, mưa, lũ và an toàn hồ chứa trong khu vực ảnh hưởng.

 

Đối với bão số 04, công tác dự báo, cảnh báo đã được thực hiện kịp thời, đầy đủ; các thông tin dự báo, cảnh báo đã được gửi đến các địa chỉ theo quy định. Ngay từ sáng 26/8, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia ban hành công văn gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về khả năng xuất hiện bão/ATNĐ và cảnh báo ảnh hưởng của bão/ATNĐ đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

 

Từ 21h00 ngày 26/8, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã phát tin ATNĐ gần Biển Đông; 05h30 ngày 28/8 phát tin bão trên Biển Đông; 02h30 ngày 29 tháng 8 phát tin bão khẩn cấp. Các bản tin sau đó đều dự báo bão đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình; thông tin dự báo đưa ra trước từ 2-3 ngày bão đổ bộ.

 

Trong thời gian xảy ra thiên tai, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các Đài KTTV khu vực, Đài Khí tượng cao không, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu trực 24/24h theo dõi thường xuyên, nắm bắt tình hình quan trắc thông tin toàn mạng lưới để xử lý nhanh các diễn biến.

 

Ngoài ra, Trung tâm đã chỉ đạo trực tiếp phòng Dự báo các Đài KTTV khu vực và các Đài KTTV tỉnh liên quan ban hành các bản tin bão, mưa lớn theo đúng quy định. Tổng cộng, Trung tâm đã ban hành 23 bản tin về bão số 04; 12 tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; 10 tin mưa lớn định lượng; 06 bản tin mưa lớn diện rộng.

 

Trong suốt thời gian xảy ra thiên tai, các Đài KTTV khu vực và các Đài KTTV tỉnh đã thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ các Quy trình, Quy định về dự báo, cảnh báo thiên tai cũng như các Quy trình, Quy phạm, Mã luật, kỷ luật quan trắc; tham gia đầy đủ các buổi thảo luận trực tuyến do Tổng cục KTTV tổ chức; gửi các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời đầy đủ đến các địa chỉ theo quy đinh. Các bản tin dự báo của các Đài đã bám sát diễn biến của cơn bão số 04. Tổng cộng, Đài KTTV khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ 23 bản tin về cơn bão số 04, 07 bản tin mưa lớn diện rộng; Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ đã phát 23 bản tin bão và ATNĐ, 06 bản tin mưa lớn diện rộng, 11 tin cảnh báo lũ, lũ quét sạt lở đất khẩn cấp và ngập lụt; Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ đã phát 23 bản tin về cơn bão số 3, 12 bản tin mưa lớn diện rộng, 05 bản tin mưa định lượng, 03 tin lũ cảnh báo lũ quét sạt lở đất.

 

Tổng cục KTTV đã chỉ đạo Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV và Đài khí tượng cao không theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 04, tổ chức thực hiện các phương án thu thập số liệu, thông tin liên lạc kịp thời phục vụ công tác dự báo, cảnh báo; đồng thời chỉ đạo Liên đoàn khảo sát KTTV chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, thiết bị, các phương án đo đạc phục vụ điều tra, khảo sát khi có yêu cầu.

 

Về công tác phối hợp của các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong suốt thời gian diễn ra bão số 04, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục KTTV trong việc cung cấp thông tin, dự báo, cảnh báo bão, ATNĐ, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

 

Tổng cộng trong cả đợt thiên tai Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu đã phát tổng cộng 14 bản tin về cơn bão số 04, 11 tin cảnh báo lũ quét, 01 tin cảnh báo mưa lớn, 07 tin dự báo sóng và nước dâng trong bão số 04; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã phát 02 bản tin cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá trong cơn bão số 04, trong các bản tin cảnh báo chi tiết đến cấp huyện của khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Bắc, Việt Bắc.


Nhận định tình hình KTTV thời gian tới.

 

            Đêm 29/8, trên khu vực Thái Bình Dương xuất hiện một vùng ATNĐ. Hồi 13 giờ, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 125,5 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) khoảng 350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

             Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 31/8, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 122,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc đảo Lu-dông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

          Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 01/09, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: