Công điện hỏa tốc ứng phó với hai áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Đăng ngày: 02-09-2019 | Lượt xem: 1184
Trước tình hình cùng lúc có hai áp thấp nhiệt đới đang mạnh dần lên trên Biển Đông, chiều ngày 2/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện hỏa tốc gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực ven biển, khu vực Tây Nguyên cùng các bộ ngành.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay trên Biển Đông xuất hiện tổ hợp bất lợi gồm 2 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cùng gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây sóng to, gió lớn cho toàn bộ vùng biển Đông.

Cụ thể, hồi 16h ngày 02/9, áp thấp nhiệt đới gần bờ có vị trí vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới này di chuyển theo hướng tây-tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 4h ngày 03/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Áp thấp nhiệt đới thứ hai trên khu vực giữa Biển Đông có vị trí tâm ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông vào thời điểm 16h ngày 2/9. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới này di chuyển theo hướng bắc-tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Đến 16h ngày 03/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150 km về phía đông-đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. 

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm ATNĐ/bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3,0-4,0 m; biển động rất mạnh, từ đêm nay (02/9) vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam cường độ mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Sóng biển cao 2,5-3,5 m. Biển động mạnh. 

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới do áp thấp nhiệt đới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): Phía bắc vĩ tuyến 13,0 độ Vĩ Bắc.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị  địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh; thông tin đến các thuyền trưởng, chủ phương tiện hoạt động trên biển chủ động các phương án di chuyển tàu thuyền để đảm bảo an toàn.

Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu tại bến; đảm bảo an toàn người, phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú và khách du lịch trên trên các đảo;

Căn cứ diễn biến của ATNĐ, gió mạnh trên biển và tình hình cụ thể tại địa phương, thực hiện việc cấm biển theo hướng dẫn phù hợp với các quy định hiện hành của các cơ quan chuyên môn.

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị: Theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng, tránh, nhất là khu vực đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông;

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho hành khách tại các khu du lịch, ngư dân tại các khu neo đậu tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản;

Tổ chức kiểm tra rà soát phương án đảm bảo an toàn hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc; công trình đê điều đặc biệt là tuyến đê biển Tây đã đã bị hư hỏng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 hiện mới được khắc phục tạm thời, các trọng điểm xung yếu và công trình đang thi công. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có tình huống...

Đối với khu vực trung du, miền núi và khu vực Tây Nguyên: Tập trung khắc phục sự cố, hư hỏng ở các công trình hồ đập, kênh mương, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng mưa lũ của bão số 4 vừa qua;

Tăng cường chỉ đạo lực lượng xung kích tại cơ sở kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; phát hiện kịp thời những nơi dòng chảy bị tắc nghẽn, các dấu hiệu bất thường khác để thông báo cho chính quyền và người dân kịp thời xử lý hoặc di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt là tại các khu vực đã bị ảnh hưởng của mưa lũ sau bão số 4 vừa qua;

Đồng thời, tăng cường kiểm tra công tác vận hành, phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa, thủy điện, thủy lợi nhất là các thủy điện nhỏ, hồ đập xung yếu hoặc đang thi công. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó khi tình huống xảy ra.

Theo Chinhphu.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: