Chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân vùng lũ để ứng phó với thiên tai

Đăng ngày: 12-10-2020 | Lượt xem: 1118
Sáng ngày 12-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá công tác chuẩn bị ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ trong thời gian tới. Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, hiện còn 176 xã, phường với 94.277 hộ bị ngập (giảm 30 xã, phường và 14.757 hộ so với ngày 10-10), độ ngập sâu từ 0,3m đến 1,8m, cá biệt có nơi ngập sâu đến 3m. Các địa phương đã tổ chức sơ tán 15.392 hộ với 45.835 người.

Tổng số có 17 tàu với 106 người bị nạn, trong đó 11 tàu bị chìm, 6 tàu bị sự cố; đã cứu hộ an toàn được 99 người, 3 người chết, 4 người mất tích (tính riêng về thiệt hại trên biển). Hiện lực lượng chức năng tiếp tục triển khai tìm kiếm người bị mất tích.

Thiên tai gây ra các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên những ngày qua đã làm 18 người chết (15 người do bị lũ cuốn; 3 thuyền viên trên biển), 14 người mất tích (10 người do lũ cuốn; 4 thuyền viên trên biển). Ngoài ra, mưa lũ còn làm 382 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 109.034 nhà bị ngập nước. Về giao thông, 108 điểm quốc lộ, 8.656m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi); 11 điểm ngập (Quảng Bình: 2; Thừa Thiên-Huế: 9). Ngành giao thông đã lập rào chắn, trực điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố. Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49A, 49B (Thừa Thiên-Huế); Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 (Quảng Trị); Quốc lộ 15 (Quảng Bình). Về nông nghiệp có 584 ha lúa, 3.879 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 2.141 ha thủy sản bị thiệt hại; 271 con gia súc, 150.489 con gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi. Về giáo dục, 70 điểm trường bị ngập (Quảng Bình: 28; Quảng Trị: 1; Đà Nẵng: 11, Quảng Nam: 30).

Toàn cảnh cuộc họp sáng 12-10.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho hay: Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hình thành ngày hôm qua (11-10) trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão là rất cao. Dự báo đến chiều nay (12-10), ATNĐ sẽ tương tác với không khí lạnh và mạnh lên thành bão. Cơn bão này có diễn biến rất phức tạp. Do ảnh hưởng của cơn bão này, mưa sẽ xuất hiện ở các địa phương vùng Đồng bằng Bắc Bộ nhiều hơn. Trong 2 ngày tới, Trung Trung Bộ, Hà Tĩnh, Quảng Trị tiếp tục có mưa. Ngoài ra trên vùng biển phía Nam Philippines có vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành ATNĐ, dự báo khoảng ngày 15-10 ATNĐ này sẽ đi vào Biển Đông.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT nhấn mạnh: Thiên tai trong những ngày tới tiếp tục còn diễn biến phức tạp, công tác khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua chúng ta chưa làm được nhiều do mưa lũ vẫn còn. Thiệt hại do thiên tai gây ra những ngày qua đối với chúng ta khá lớn. Một trong những nguyên nhân thiệt hại có phần là nguyên nhân chủ quan trong công tác ứng phó của chúng ta. Lấy ví dụ về việc thiệt hại về tàu thuyền, đặc biệt là nhiều tàu vận tải bị chìm, bị mắc cạn ngay cửa biển, khu neo đậu, trú tránh. Để giảm thiểu thiệt hại do ATNĐ, bão, mưa lũ, đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các địa phương tiếp tục thông tin hướng dẫn kiểm đếm tàu thuyền, đặc biệt hướng dẫn neo đậu tàu trú tránh đảm bảo an toàn, tránh những thiệt hại những ngày qua. Đồng thời chuẩn bị tổ chức việc sơ tán dân ở các lồng bè nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn cho du khách ở các điểm du lịch. Chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân vùng lũ, để ứng phó thiên tai. Để đảm bảo an toàn các hồ chứa, đề nghị Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường hỗ trợ các địa phương và các chủ hồ trong công tác vận hành hồ chứa, đặc biệt là đối với chủ các hồ chứa vừa và nhỏ.

Theo qdnd.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: