Chủ động ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ

Đăng ngày: 22-05-2021 | Lượt xem: 1017
Ngày 22/5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã ban hành văn bản số 239/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ về việc chủ động ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với gió mùa Tây Nam, từ ngày 22 đến ngày 23/5, ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; từ ngày 24 đến ngày 27/5 có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ phổ biến 150 - 300mm/đợt, ở Tây Nguyên phổ biến 200 - 450mm/đợt.

Trên các sông từ Bình Định đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ trên các sông từ 2 - 6m. Đỉnh lũ trên các sông ở Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 1; các sông ở Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Nam Tây Nguyên lên mức báo động 1, báo động 2; riêng các sông nhỏ ở Đắk Nông, Lâm Đồng lên mức báo động 2, báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ tại các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh và triển khai các nội dung tại công văn số 237/VPTT ngày 21/5/2021 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cần tổ chức kiểm tra rà soát, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho các khu vực dân cư, các địa điểm tổ chức bầu cử, tránh bị động khi có tình huống thiên tai xảy ra; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Các chuyên gia khuyến cáo: Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra, đối với các vùng có nguy cơ lũ quét cao, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có những phương án cụ thể để phòng tránh, cụ thể là xây bản đồ nguy cơ ngập lụt khu chịu lũ, các phương án sơ tán, các tuyến đường sơ tán và vị trí tập kết; chọn các khu vực, vị trí cao không bị ảnh hưởng của lũ quét, xây dựng một số nhà kiên cố để tập kết các tài sản, lương thực và con người khi có lũ quét; có phương án sơ tán người lên các vùng cao và những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em; mỗi người dân cần nắm chắc và sử dụng thành thạo bản đồ nguy cơ ngập lụt, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh; thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của dân trong thời gian có lũ quét.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: