Chủ động ứng phó mưa lớn, lũ quét và gió mạnh trên biển

Đăng ngày: 05-12-2022 | Lượt xem: 1474
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai vừa có văn bản gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa về việc ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 1 giờ ngày 4/12 đến 1 giờ ngày 5/12), khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên đã có mưa to đến mưa rất to như: Hải Lâm 176mm (Quảng Trị), Phong Điền 136,6mm (Thừa Thiên - Huế), Trà Kót 190,2mm (Quảng Nam), Ba Tơ 128,2mm (Quảng Ngãi), Cát Tiến 118,2mm (Bình Định), Sơn Hòa 177mm (Phú Yên), Ninh Tân 105,7mm (Khánh Hòa), Thôn 10 Xa Ea MDoal 114mm (Đăk Lăk)…

Mô hình độ ẩm đất cho thấy độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên đã đạt trạng thái gần bão hòa (90-99%).

Dự báo trong 6 giờ tới, khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa, lượng mưa tích lũy phổ biến ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi từ 20-40mm, có nơi trên 80mm; các tỉnh còn lại phổ biến từ 10-20mm, có nơi trên 60mm.

Cảnh báo trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.

Trên biển, ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7; khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7. Dự báo, ngày và đêm 5/12, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Vùng biển phía Bắc của khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.

Ngoài ra, ngày và đêm 5/12 ở vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông, có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Cảnh báo, ngày 6/12, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Bắc của khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Để chủ động ứng phó thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung.

Trên đất liền, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Thực hiện các biện pháp phòng tránh mưa lũ, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt chia cắt, chủ động sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Kiểm tra, rà soát, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, hồ chứa đã đầy nước.

Bố trí lực lượng thường xuyên túc trực, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến thời tiết và kỹ năng phòng chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất (Tham khảo tài liệu hướng dẫn, truyền thông trên trang thông tin điện tử của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai).

Tuyến biển, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: