Chủ động thực hiện giải pháp chống xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất

Đăng ngày: 08-04-2021 | Lượt xem: 1981
Chi cục Thủy lợi tỉnh dự báo, năm nay, vùng cửa sông ven biển chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, nên xâm nhập mặn sẽ ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Theo đó, sẽ có khoảng 55 trạm bơm tưới có khả năng bị ảnh hưởng mặn và dự báo sẽ có khoảng 4.775 ha lúa đông xuân có nguy cơ ảnh hưởng do xâm nhập mặn, tập trung tại các huyện: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Quảng Xương...

Trên cơ sở dự báo nguy cơ về tình hình xâm nhập mặn của Chi cục Thủy lợi, các đơn vị thủy nông và chính quyền các địa phương nằm trong vùng có nguy cơ bị xâm nhập mặn đã và đang chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn.

 

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2020–2021, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã phục vụ tưới, tiêu cho các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, thị xã Bỉm Sơn và 4 xã, phường phía Bắc của TP Thanh Hóa, với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 28.904,13 ha. Nguồn nước cấp cho hệ thống bơm tưới được lấy từ sông Mã, sông Lèn, sông Hoạt, sông Càn. Tuy nhiên, tất cả các sông cấp nguồn nước tưới đều chịu ảnh hưởng thủy triều, một số nơi thường xuyên bị nhiễm mặn. Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã dự báo toàn vùng khoảng 2.106 ha có khả năng bị hạn và xâm nhập mặn. Vì vậy, ngay từ đầu vụ, công ty đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn.

Theo đó, công ty đã xây dựng phương án tưới cho vụ đông xuân 2020-2021; trong đó, đề ra các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn theo diễn biến cụ thể của thời tiết và có giải pháp riêng cho từng vùng tưới. Thời điểm này, tình hình thời tiết và xâm nhập mặn đang ở mức bình thường, nguồn nước các sông và sông nội địa bảo đảm, nên công ty chỉ đạo cho các chi nhánh thủy nông chủ động đóng kín các cống tiêu để ngăn mặn, giữ ngọt. Các cống lấy nước và trạm bơm tưới có ảnh hưởng triều, trước và trong khi lấy nước phải kiểm tra chất lượng nước. Trong quá trình lấy nước, 15 phút kiểm tra chất lượng nước một lần tại các cửa lấy nước và ghi vào sổ theo dõi mỗi lần đo. Độ mặn cho phép khi bơm, lấy qua cống phải bảo đảm yêu cầu cho suốt cả năm và tận dụng tối đa khả năng lấy nước triều vào kênh.

Cùng với đơn vị thủy nông, chính quyền các địa phương nằm trong vùng có nguy cơ bị xâm nhập mặn cũng đang chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn. Đơn cử như tại huyện Hậu Lộc, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn thường xảy ra tại vùng Đông kênh De, như: cánh đồng Dọc Trầu, Dọc Đền, Hói Châu, Dọc Su thuộc xã Minh Lộc; cánh đồng Đồng Sau, Đa Mát thuộc xã Hải Lộc; xứ đồng Yên Hòa, Yên Thịnh, Phú Nhi, Yên Mỹ thuộc xã Hưng Lộc; xứ đồng Mỹ Điền, Đông Thành, Minh Phú thuộc xã Đa Lộc. Ngoài ra, hạn hán còn xảy ra tại một số xã như: Quang Lộc, Liên Lộc, Phong Lộc. Dự kiến tổng diện tích có nguy cơ bị hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn là 682 ha.

Để chủ động đối phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, huyện Hậu Lộc đã và đang phối hợp với đơn vị thủy nông chủ động xây dựng kịch bản bơm tưới. Tập trung nguồn điện, nguồn nước sông Lèn để thực hiện vận hành các trạm bơm: Châu Lộc, Châu Tử, Đại Lộc, Thiều Xá Phú Lộc, Quang Lộc và Liên Lộc 2. Vận hành trạm bơm Vô Ống tại cống Lộc Động (công suất 2 máy = 8.000m3/h), duy trì mực nước trên sông Trà Giang luôn đảm bảo > +0,8m để cho các trạm bơm nội đồng hoạt động. Đồng thời, nạo vét kênh dẫn, bể hút các trạm bơm Châu Tử, Châu Lộc, Đại Lộc, Thiều Xá, Phong Lộc, Quang Lộc, Hòa Lộc 1, Hòa Lộc 3. Nạo vét kênh dẫn vào cống Lộc Động.

Căn cứ vào tình hình thời tiết, thủy văn, nhận định về nguy cơ xâm nhập mặn, Chi cục Thủy lợi khuyến cáo UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng ven biển và các công ty khai thác các công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi lịch thủy triều, mực nước sông và độ mặn ở vùng triều để đóng, mở các cống, bơm nước vào kênh, đồng ruộng để tích trữ nước khi chất lượng nước bảo đảm yêu cầu, có biện pháp xử lý nhiễm mặn kịp thời khi xảy ra ở các vùng triều. Vùng tưới thuộc huyện Nga Sơn, vùng Đông kênh De thuộc huyện Hậu Lộc đang tập trung phối hợp với đơn vị thủy nông chủ động vận hành các trạm bơm Cống Phủ 2, Châu Lộc, thôn Hậu... bơm nước tạo nguồn và trữ nước chống hạn. Đồng thời, đóng, mở cống ở các cửa sông, cửa biển hợp lý để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn.

Theo Báo Thanh Hóa

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: