Chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất

Đăng ngày: 14-06-2019 | Lượt xem: 1182
Để chỉ đạo ứng phó với mưa lớn diện rộng và nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 02/CĐ-TW đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc (Ảnh vtv.vn)

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ đêm ngày 13/6 và ngày 14/6, vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm/24 giờ. Theo số liệu quan trắc, từ 19h00 ngày 12/6 đến 13h00 ngày 13/6, khu vực miền núi phía Bắc đã có mưa diện rộng với lượng mưa vừa, có nơi mưa to từ 20-70mm, có nơi mưa rất to như tại Cao Bằng (165mm).

Cảnh báo mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 16-17/6, thời gian mưa lớn tập trung vào đêm và sáng sớm. Trên các sông suối vùng núi phía Bắc có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-3m; lũ trên sông Bằng tại Bằng Giang có khả năng lên mức báo động 3; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Lào Cai; ngập lụt vùng trũng ở các khu vực nêu trên.

Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất và các tình huống bất thường, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc và trung du Bắc Bộ, các bộ, ngành triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất.

Rà soát các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tăng cường kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.

Triển khai phương án chủ động phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng phó theo quy định.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Theo cpv.org.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: