Chạy tàu khi bão, lũ được quy định thế nào để đảm bảo an toàn?

Đăng ngày: 05-01-2021 | Lượt xem: 4298
Việc chạy tàu khi bão, lũ được Bộ GTVT quy định cụ thể nhằm đảm bảo an toàn hành khách, hàng hóa, phương tiện.

Việc chạy tàu khi lụt bão được Bộ GTVT quy định cụ thể nhằm đảm bảo an toàn hành khách, hàng hóa, phương tiện. Ảnh: minh họa

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn trong hoạt động đường sắt. Trong đó, quy định cụ thể việc chạy tàu khi có lụt bão nhằm đảm bảo an toàn.

Theo đó, nhằm giảm thiểu hậu quả, ảnh hưởng, khi có thông tin dự báo lụt bão, đơn vị sở tại phải nối liền các toa xe trên đường hay ở trong ga với nhau; các cửa toa xe phải được đóng kín. Những toa xe không có tác nghiệp dồn dịch, chạy tàu, phải xiết chặt hãm tay, chèn lại chắc chắn.

Các ga phải tạo mọi điều kiện để người thuê vận tải nhanh chóng rút hàng hóa ra khỏi ga hoặc xếp hàng lên toa xe. Hàng hóa còn tồn trên kho, bãi phải được kê cao, che bạt, chằng buộc... chắc chắn. Các khu ga hay bị ngập nước phải sơ tán đầu máy, toa xe khỏi khu vực ngập nước.

Trong trường hợp xảy ra lụt bão, khi nhận được tin đường bị ngập lụt, hư hỏng hoặc có chướng ngại trên đường, trực ban chạy tàu hai ga tiếp giáp đoạn đường ấy phải giữ tất cả các tàu, đầu máy sắp chạy vào khu gian đó; đồng thời báo cho điều độ chạy tàu phong tỏa khu gian.

Nếu điện thoại điều độ chạy tàu không thông thì trực ban hai ga được phép phong tỏa khu gian; sau đó báo cho các đơn vị vận tải, đơn vị quản lý cầu đường, đơn vị quản lý thông tin tín hiệu sở tại để kiểm tra tình hình hư hỏng của công trình, các chướng ngại vật và tìm mọi biện pháp khắc phục nhanh chóng.

Khi tàu đang chạy trong thời gian mưa to kéo dài, trực ban chạy tàu ga khi cho tàu chạy phải cấp cảnh báo cho tàu chạy vào khu gian với nội dung: “Chú ý chạy thận trọng, tốc độ không quá 15km/h”.

Nếu gió mạnh có thể làm đổ cây cối, cột điện gây chướng ngại trên đường hoặc sức gió mạnh cản đầu máy, không đảm bảo an toàn thì trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu, lái tàu hội ý, nhận định tình hình, nếu xét thấy nguy hiểm cho việc chạy tàu thì giữ tàu ở ga cho đến khi ngớt gió bão.

Khi lụt bão, các đơn vị đường sắt phải bảo vệ hành khách, hàng hóa; trong trường hợp cần thiết thực hiện chuyển tải để đảm bảo an toàn. Ảnh: Chuyển tải hành khách tại ga Phò Trạch do ảnh hưởng bão (10/2020)

Khi mưa bão đã ngớt, đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng sở tại phải cử người đi kiểm tra và giải quyết ngay các sự cố ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu. Trực ban chạy tàu ga chỉ được phép cho tàu đang đợi chạy vào khu gian khi đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng sở tại kiểm tra về, thông báo trạng thái cầu đường thanh thoát, an toàn.

Trường hợp đợi quá 60 phút không có thông báo của đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng sở tại thì trực ban chạy tàu ga cho tàu chạy vào khu gian với cảnh báo: “Chạy thận trọng, tốc độ không quá 15 km/h, chú ý quan sát đường sau mưa, bão, lụt”.

Trường hợp mưa to kéo dài, gió bão mạnh, đối với các khu gian có điểm xung yếu đã được thông báo, trực ban chạy tàu ga nhất thiết phải chờ đơn vị quản lý cầu đường sở tại hoặc goòng đi kiểm tra về, thông báo trạng thái cầu đường thanh thoát, an toàn mới cho tàu chạy.

Khi tàu đang chạy dọc đường nếu trưởng tàu, lái tàu nhận thấy gió bão mạnh, uy hiếp an toàn đoàn tàu thì phải ngừng lại và cử người đi phòng vệ phía trước và sau tàu. Khi ngớt gió bão, trưởng tàu và lái tàu kéo còi gọi nhân viên đi phòng vệ tàu về và hội ý với lái tàu cho tàu chạy thận trọng, tốc độ không quá 15 km/h và sẵn sàng ngừng tàu khi có chướng ngại.

Thông tư cũng quy định việc tổ chức xử lý khi lụt, bão, sự cố, thiên tai xảy ra, các đơn vị vận tải đường sắt, nhà ga, đoàn tàu, nhân viên công tác trên tàu phải tổ chức bảo vệ đoàn tàu, hành khách, hàng hóa; tổ chức chuyển tải hành khách, hàng hóa khi có lệnh của Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN hoặc Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão, ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn của Tổng công ty Đường sắt VN hoặc Thủ trưởng đơn vị vận tải đường sắt trực tiếp quản lý theo phân cấp. Thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho hành khách, khách hàng…

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: