Các giải pháp ứng phó thiên tai ở vùng ven cửa sông Hậu

Đăng ngày: 26-11-2021 | Lượt xem: 2037
Sóc Trăng Sóc Trăng là một trong những tỉnh chịu nhiều loại hình thiên tai ở ĐBSCL. Tỉnh này đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách, chủ động ứng phó trước thời tiết bất thường.

Thi công nạo vét kênh cấp, trữ nước ngọt ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức

Tỉnh Sóc Trăng có vị trí địa lý nằm cuối dòng sông Hậu và tiếp giáp biển Đông chạy dài hơn 70 km. Hàng năm ở vùng cửa sông, ven biển thường xuyên hứng chịu thiên tai bão tố, dông lốc, sạt lở, triều cường, hạn hán, mặn xâm nhập.

Tính từ đầu năm đến giữa tháng 11/2021 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thiệt hại do thiên tai vẫn liên tục gây nhiều thiệt hại, bất an, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Dông lốc gây thiệt hại hơn 270 căn nhà, sạt lở, tràn bờ bao hơn 52km. Trong đó sạt lở 150m bờ biển thuộc thị xã Vĩnh Châu, sạt lở bờ sông, bờ bao, đường đal dài hơn 51km và hơn 900m đê cồn trên sông Hậu thuộc huyện Kế Sách.

Cách đây 30 năm, sau khi tái lập tỉnh Sóc Trăng người dân ở vùng ven các cửa sông Hậu như Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh vẫn còn nhớ và kinh hoàng với cơn sóng thần lịch sử. Sau đó mỗi năm liên tiếp gánh họa triều cường, sạt lở thường xuyên xảy ra nghiêm trọng. Trong những năm năm gần đây do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH), lưu lượng nước đầu nguồn sông Mekong đổ về giảm nên hạn mặn thường xuyên đến sớm vào đầu mùa khô.

Địa bàn nhạy cảm xâm nhập mặn nhất là khu vực kênh Long Phú - Tiếp Nhựt có 42.000 ha đất lúa. Mùa khô năm 2015-2016 quanh khu vực nầy bị xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng trên 20.000 ha. Kế đến là vùng dự án Kế Sách có gần 44.000 ha đất lúa, vườn cây ăn trái và các cù lao trên sông Hậu luôn đặt trong tình trạng báo động mặn dấn sâu, đe dọa. Thế nhưng sau khi triển khai nhiều giải pháp, tiến hành nạo vét kênh trữ nước ngọt, vận động người dân trữ nước, xây dựng thêm trạm bơm nước ngọt, đầu tư công Cái Oanh...

Từ năm 2019-2020 cùng với địa phương điều chỉnh lịch thời vụ lúa đông xuân xuống giống sớm hơn 1 tháng né MXN đầu vụ, kiểm nghiệm cơ bản trên vùng SX lúa của tỉnh đã được kiểm soát mặn khá tốt. Vụ lúa ĐX 2021-2022 đến nay đã qua 2 tháng, dự kiến thu hoạch an toàn trước và sau tết trong khoảng 7 ngày.

Tuy nhiên, lo lắng nhất là triều cường thật sự gây ác mộng đối với hàng trăm hộ dân ven sông, cồn bãi ở các huyện Cù Lao Dung, Kế Sách, Mỹ Tú. Trong mấy năm gần đây tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều công trình xây đắp trên 40km bờ bao. Qua những đợt triều cường trên sông Hậu vừa qua đến thời điểm hiện nay chứng thực khả năng chống chịu và giảm thiệt hại, tổn thất trong đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho người dân. Đặc biệt trước khi vào các đợt triều cường lớn, tại các điểm xung yếu đều được tỉnh bố trí các phương tiện cơ giới (xáng cạp) túc trực, đề phòng.

Khu vực sạt lở nghiêm trọng ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Để giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, từ đầu năm đến nay tỉnh thực hiện công tác hỗ trợ, chi trên 1,7 tỷ đồng cho 217 căn nhà của bà con bị thiệt hại do dông lốc và đang rà soát và hoàn chỉnh thủ tục tiếp tục hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại ở vùng sạt lở.

Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đã công bố tình huống thiên tai khẩn cấp về sạt lở nguy hiểm bờ sông trên địa bàn huyện Kế sách. Đồng thời tỉnh chi hỗ trợ cho huyện Kế Sách số tiền 5,3 tỷ đồng khắc phục sạt lở đê cồn, chi 3,1 tỷ cho huyện Long phú khắc phục sạt lở bờ sông trên địa bàn xã Song Phụng, Phú Hữu và tiếp tục phối hợp với UBND huyện Kế Sách khắc phục sạt lở trên tuyến huyện lộ 6.

Đối phó với nạn xâm nhập mặn sẽ là câu chuyện dài, tháng 2/2021 tỉnh Sóc Trăng đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Cuối tháng 3/2021 tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng cống, trạm bơm và hệ thống thủy lợi khẩn cấp để phòng chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn Sóc Trăng, từ nguồn vốn 150 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp của Thủ tướng chính phủ chống hạn và xâm nhập mặn.

Kết quả trong năm 2021 hoàn thành xây dựng 4 cống hở (cống Long Phú, Cà Dâm, Ba Kiệm, kênh Ranh ở Kế Sách), sửa chữa 1 cống Cái Oanh ở Long Phú), xây dựng mới 2 trạm bơm Bà Xẩm (Long Phú), trạm bơm Phụ Nữ (Kế Sách) và nạo vét 21 tuyến kênh có chiều dài trên 178 km.

Từ năm 2006-2008 tỉnh Sóc Trăng thí điểm mô hình Công ty cổ phần Thủy lợi. Trong những năm qua, Công ty thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành, điều tiết các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai.

Về mặt ưu điểm trong hoạt động của Công ty cổ phần được tự chủ tài chính, thu nhận và linh hoạt điều động nhân sự kể cả tình huống khẩn cấp, túc trực tại những địa bàn xung yếu khi thiên tai xảy ra. Tuy nhiên vừa qua, theo ý kiến chỉ đạo của Bộ NN-PTNT hình thức Công ty cổ phần không thể quản lý vốn do Nhà nước đầu tư (vốn đầu tư lớn) nên cần phải chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên.

Theo đó, Công ty TNHH MTV sẽ chuyển đổi phương hướng hoạt động theo hướng dẫn, chế độ lao động…theo qui định của Nhà nước. Hiện nay, Sở NN-PTNT Sóc Trăng đang thực hiện chuyển đổi Công ty cổ phần Thủy lợi Sóc Trăng thành Công ty TNHH MTV để tiếp tục quản lý, tổ chức vận hành, khai thác các công trình thủy lợi đã đưa vào hoạt động.

(Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng)

Theo Báo Nông Nghiệp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: