Các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024

Đăng ngày: 11-12-2023 | Lượt xem: 1946
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng diện tích tự nhiên 04 triệu héc-ta, trong đó, diện tích đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm gần 03 triệu héc-ta. Đây là vùng đất trù phú, có tiềm năng và lợi thế về sản xuất xuất nông nghiệp, sản lượng nông nghiệp so với cả nước chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản 70%.
Người dân ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải trồng màu trong nhà lưới thích ứng với biến đổi khí hậu.

Người dân ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải trồng màu trong nhà lưới thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây, ĐBSCL phải đối mặt với nhiều thách thúc, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự gia tăng sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông đã gây khó khăn cho việc điều hòa, phân phối nguồn nước, ảnh hưởng đến việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, là nguyên nhân xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng,… Chỉ trong 05 năm từ năm 2015 - 2020, 02 đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn và các đơn vị khoa học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn năm 2023 - 2024 đang được dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Bên cạnh còn ảnh hưởng của các yếu tố khó nắm bắt đến từ thượng nguồn sông Mê Kông.

Trà Vinh là tỉnh ven biển phía Đông Nam vùng ĐBSCL, có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp ngọt, lợ, mặn. Tuy nhiên do chịu sự tác động của triều cường từ Biển Đông và thiếu hụt nguồn nước từ dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông đổ về nên Trà Vinh thường xuyên đối mặt với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, tỉnh triển khai các giải pháp có hiệu quả trong công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn. Tăng cường công tác đo kiểm tra độ mặn trên các sông, rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình thủy lợi lấy, trữ nước hợp lý, hiệu quả, phù hợp trong từng giai đoạn. Tập trung công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp trữ nước để phục vụ sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả. Qua đó, giúp người dân tích cực, chủ động hơn trong việc ứng phó hạn mặn ngay từ đầu mùa khô góp phần giảm đáng kể thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Theo đồng chí Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong mùa khô năm 2023 - 2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông (trạm Kratie - Campuchia) về hạ lưu và ĐBSCL có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 05 - 10%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo thủy triều với xu thế xuống dần. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 sẽ đến sớm hơn và cao hơn trung bình nhiều năm, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu. Thời gian xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện từ tháng 12/2023, trong đó xâm nhập mặn cao tập trung trong tháng 02, 3/2024; riêng các sông Vàm Cỏ (Tiền Giang), sông Cái Lớn (Kiên Giang) vào tháng 3, 4, 5 năm 2024.

Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: để chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của Nhân dân, thời gian tới tập trung 05 nhóm giải pháp trọng tâm: (1) Các địa phương chủ động có các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa phương để giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của Nhân dân, nhất là bảo đảm nước sinh hoạt cho Nhân dân. (2) Bên cạnh những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống hạn hán, xâm nhập mặn như hiện nay, đồng thời tính đến các giải pháp dài hạn, có lộ trình, bước đi phù hợp, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, coi hạn hán, xâm nhập mặn là đặc tính thường xuyên của vùng để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện nguồn nước; tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với các nước phía thượng nguồn sông Mê Kông để chủ động hơn nữa trong công tác dự báo và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Kông. (3) Đối với các dự án đang được đầu tư, xây dựng có mục tiêu phòng, chống hạn hạn, xâm nhập mặn, cần đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn ngay trong mùa khô 2023 - 2024. (4) Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân để có nhận thức đầy đủ về tác động nghiêm trọng của hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động có các giải pháp tích trữ nước, đặc biệt tích trữ nước hộ gia đình, đồng thời nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện hạn hán, thiếu nước. (5) Các địa phương cần quán triệt ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thời vụ gieo trồng, sử dụng giống phù hợp, áp dụng các biện pháp; canh tác hiệu quả, phù hợp với diễn biến nguồn nước; chủ động dự báo, thông tin kịp thời về diễn biến của hạn hán và xâm nhập mặn để người dân chủ động trong việc lấy nước, tích trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Các đơn vị liên quan, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước; hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong trồng trọt, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, giúp người dân ứng phó hiệu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: