Các dự án chống ngập lụt cho Nha Trang chưa phát huy hiệu quả

Đăng ngày: 16-12-2022 | Lượt xem: 1983
Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đã được đầu tư các dự án thoát nước và cải thiện vệ sinh môi trường, chỉnh trị hạ lưu các con sông, khơi thông các điểm nghẽn… Tuy nhiên, tình trạng ngập ở một số khu vực dân cư, tuyến đường lớn của thành phố vẫn diễn ra khi thời tiết có mưa lớn.

Mưa lớn gây ngập lụt ở địa bàn xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (ảnh tư liệu).

Mưa lớn gây ngập lụt ở địa bàn xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (ảnh tư liệu).

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang, từ năm 2006 - 2014, thành phố đã thực hiện nhiều dự án cải thiện vệ sinh môi trường như: đầu tư hệ thống thoát nước mưa, thu gom nước thải khu vực các phường trung tâm thành phố (phía Nam sông Cái), các trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải phía Nam Nha Trang ở xã Phước Đồng và khu xử lý chất thải rắn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương.

Các dự án hoàn thành đã giải quyết tình trạng ngập sâu khi có mưa của hai khu dân cư Quân Trấn đường Hùng Vương, phường Lộc Thọ và Quốc Tuấn, đường Lạc Long Quân, phường Phước Tân. Nước thải từ các phường trung tâm đã được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải phía Nam Nha Trang xử lý đạt tiêu chuẩn loại A, được phép xả trực tiếp ra sông Quán Trường. Công tác vận hành nhà máy được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao.

Một dự án quan trọng khác được tỉnh Khánh Hòa đầu tư vốn đối ứng và thực hiện từ năm 2016 là Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án Nha Trang (CCSEP). Dự án này hoàn thành sẽ giải quyết ngập úng tại các khu vực chợ Bầu, trên đường 2 tháng 4, phường Vĩnh Thọ; khu vực Làng SOS ở đường 2 tháng 4, phường Vĩnh Hải; khu vực đường Điện Biên Phủ, phường Vĩnh Hòa; đảm bảo tiêu thoát nước cho toàn bộ khu vực dân cư phía Bắc thành phố.

Tuy nhiên, do nhiều vấn đề như ảnh hưởng dịch COVID-19, giải phóng mặt bằng, dự án có phần chậm tiến độ, khiến cho "cửa ngõ" vào thành phố ở phía Bắc đến nay vẫn nằm trong tình trạng ngập úng sâu mỗi khi có mưa lớn.

Người dân tại khu vực Làng SOS ở đường 2 tháng 4, phường Vĩnh Hải thường chịu cảnh khi trời mưa, nhà sát ngay biển rồi mà vẫn còn bị ngập. Mỗi lần mưa lớn, nước ngập kéo dài cả nửa ngày mới rút khỏi bậc thềm, đường đi. Thậm chí, mưa ngập vào buổi tối khiến nhiều gia đình di chuyển đồ đạc không kịp.

Không chỉ riêng khu vực "cửa ngõ" phía Bắc, mà các xã ven sông Cái ở vùng thấp ở phía Tây thành phố Nha Trang cũng thường xuyên bị ngập úng cục bộ vào mùa mưa. Phần lớn nguyên nhân là do các hồ Suối Dầu, Am Chúa xả điều tiết kết hợp với nước lũ và triều cường trên các sông Cái, Quán Trường làm ngập nặng ở các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái… ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng lũ.

Những năm gần đây, tình hình ngập lụt diễn biến bất thường, nước lũ dâng rất nhanh trong thời gian ngắn và thoát rất chậm, có khi đến 2 - 3 ngày gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.

Ông Nguyễn Sĩ Khánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang thừa nhận: Quá trình đô thị hóa tại các xã phía Tây thành phố Nha Trang tăng nhanh. Việc nhà ở người dân thấp hơn hiện trạng quy hoạch cũng là một nguyên nhân làm cho nước ứ đóng, gây ngập khi có mưa lớn. Mặt khác, các khu dân cư trước đây thoát nước theo tự nhiên ra các sông rạch, nay bị chặn dòng nên bị ngập úng cục bộ không có hướng thoát.

Từ năm 2019, Nha Trang đã có dự án chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường và dự án Hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đầu sông Tắc. Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh, mặc dù dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng hiệu quả thoát lũ cho các xã phía Tây thành phố Nha Trang chưa triệt để. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã giao cho Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh làm chủ đầu tư dự án cắm mốc, khởi thông dòng chảy sông Bà Vệ, sông Kim Bồng, tuy nhiên cũng chỉ mới giải quyết được vấn đề nạo vét cải thiện vệ sinh môi trường chứ chưa khơi thông nguồn nước cho các nhánh sông này.

Nói về tình trạng ngập úng vào mùa mưa ở phía Tây thành phố Nha Trang, người đứng đầu Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang cho rằng, cần phải xem xét nhiều yếu tố. Giải pháp đã đưa ra, thực hiện nhưng tính hiệu quả vẫn chưa có.

Việc thoát lũ cho lưu vực hồ Suối Dầu chưa được đầu tư đồng bộ toàn tuyến. Dự án này từ cầu Phú Vinh về đầu sông Tắc chỉ thực hiện từ cầu Phong Châu đến cầu đường sắt Phú Vinh. Đoạn cuối tuyến nối ra sông Đồng Bò chưa được khơi thông và bị thu hẹp dòng chảy.

Đoạn từ cầu đường sắt Phú Vinh đến cầu Xuân Sơn trên đường Võ Nguyên Giáp chưa được nạo vét khơi thông và cả tuyến nhánh phụ từ cầu Sông Con chảy tràn dọc theo núi Chín Khúc về đập tràn trên sông Tắc chưa được đầu tư…

Các hệ thống kênh thoát lũ nối sông Tắc với sông Cái dọc theo đường D25 theo quy hoạch được duyệt hiện nay vẫn chưa được đầu tư đồng bộ nên việc giải quyết thoát lũ chưa đáp ứng như tính toán…

Để khắc phục các vấn đề nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã giao Ban Quản lý dự án phát triển Khánh Hòa đề xuất triển khai dự án Phát triển tích hợp ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa - một giải pháp căn cơ chống ngập với 6 hạng mục chính.

Cụ thể, đối với tuyến thượng lưu sông Quán Trường dài khoảng 4,22 km nối từ sông Cái đến cầu sắt Bắc Nam, đấu nối vào đoạn hạ lưu sông Quán Trường đã được đầu tư xây dựng. Tuyến thượng lưu sông Tắc, thực hiện nạo vét, nâng cấp tuyến kênh hiện trạng phía thượng lưu cầu Phú Vinh dài khoảng 2,15 km. Ở vị trí hạ lưu sông Tắc - Quán Trường, nối thông sông Tắc tại vị trí cầu sông Tắc đến sông Quán Trường, dài khoảng 1,3 km...

Cùng với đó, tiến hành đầu tư trục đường vành đai 3 kết nối đường Võ Nguyên Giáp với đường Nguyễn Tất Thành, chiều dài toàn tuyến khoảng 6 km. Cuối cùng là xây dựng hệ thống thu gom nước thải khu vực phía Tây thành phố Nha Trang với các tuyến truyền tải chính đường kính DN300-DN800 HDPE, tổng chiều dài mạng lưới khoảng 14.380m và 3 trạm bơm nước thải trên toàn tuyến.

Bài và ảnh: Phan Sáu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/cac-du-an-chong-ngap-lut-cho-nha-trang-chua-phat-huy-hieu-qua-20221216092157958.htm

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: