Các biện pháp ứng phó với hạn mặn ngay từ mùa mưa

Đăng ngày: 20-07-2020 | Lượt xem: 1897
Mặc dù đang là mùa mưa, nhưng người dân Bến Tre đã tập trung triển khai các phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới.

Người dân Bến Tre bắt tay vào sản xuất, chăm sóc lại vườn cây.

Mùa mưa đến mang lại nguồn nước ngọt cho người dân "xứ dừa" bắt tay vào sản xuất, chăm sóc lại vườn cây vì thời gian qua hạn mặn khốc liệt kéo dài hơn 6 tháng đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Chín, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), mùa mưa đến cũng là lúc người dân trở lại sản xuất và triển khai các giải pháp ứng phó cho thời gian tới. Hiện gia đình bà Chín tập trung xây dựng các hồ chứa nước để trữ nước mưa lại. Bên cạnh đó, các mương vườn cũng được gia cố cao hơn, xây dựng các đập tạm để trữ nước ngọt trong mương.

Bà Chín lý giải, mỗi năm gia đình trữ hơn 10 m3 để dùng cho sinh hoạt khoảng 4 tháng vào mùa khô, nhưng đợt hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng qua, gia đình thiếu nước ngọt, phải tốn thêm chí phí hơn 10 triệu đồng để mua nước ngọt về sử dụng. Do đó, ngay từ đầu mùa mưa bà Chín đã cho xây thêm các ống hồ, mua 2 túi trữ nước, ước tổng lượng nước ngọt trữ được hơn 25 m3.

Ngoài ra, hệ thống mương vườn có thể trữ 200-300 m3 nước ngọt để dùng tưới vườn cây và tưới cỏ chăn nuôi bò. Bà Chín cho hay, thời tiết ngày càng thay đổi khắc nghiệt, nếu như trước đây nước mặn kéo dài 2 - 3 tháng, nhưng hiện nay nước mặn kéo dài hơn 6 tháng. Do đó, sản xuất lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ sản xuất 3 vụ/năm, có thể chỉ còn làm được 1 vụ/năm, nếu tình trạng hạn, mặn kéo dài như hiện nay. Như năm nay bà Chín đã chuyển đổi một phần diện tích lúa để trồng cỏ nuôi bò.

Bà Chín chia sẻ, hiện gia đình đầu tư nuôi 10 con bò nái sinh sản, đây là vật nuôi chịu mặn tốt, thích ứng với điều kiện biến đổi như hiện nay. Thời điểm hạn mặn gia đình không sản xuất được lúa sẽ chăm sóc bò để có thu nhập. Do vậy từ đầu mùa mưa gia đình đầu tư trồng thêm cỏ, trữ nước ngọt để chăn nuôi.

Tại huyện Chợ Lách, nơi được xem là vương quốc cây giống, hoa kiểng của cả nước và vùng cây ăn quả dặc sản như: sầu riêng, chôm chôm… người dân đang tích cực phục hồi lại vườn cây sau thời gian bị ảnh hường do hạn, mặn và người dân nơi đây triển khai các phương án trữ nước để ứng phó hạn mặn có thể xảy ra vào cuối năm.

Theo anh Nguyễn Văn Hùng, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, cuối năm trước nước mặn đến sớm làm cho nhiều người dân sản xuất hoa kiểng tết trở tay không kịp. Riêng anh Hùng bị thiệt hại hơn 1.000 chậu hoa do không đủ nước ngọt để tưới. Do đó, hiện nay anh Hùng đang cho thi công đào ao chứa được hơn 300 m3 để có thể ứng phó vào dịp cuối năm.

Anh Hùng cho hay, người dân chủ động các giải pháp trữ nước ngọt cho sản xuất. Bên cạnh đó, các hộ xung quanh anh Hùng liên kết xây dựng các đê bao cục bộ quanh vườn vừa trữ nước vừa chống nước mặn xâm nhập. Theo anh Hùng, người dân mong muốn các công trình thủy lợi lớn để ngăn mặn trữ ngọt giúp người dân an tâm sản xuất hơn.

Ông Trần Văn Tâm, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách cho hay, gia đình đang ra sức cứu vườn sầu riêng, chôm chôm hơn 7.000 m3 bị ảnh hưởng nước mặn, tuy cây không chết nhiều nhưng cây bị rụng lá, mất sức, không có khả năng cho trái. Theo ông Tâm ngoài việc phục hồi vườn cây gia đình ông tâm phải gia cố lại đê bao, lắp thêm các cống ngăn mặn tại mương vườn. Bên cạnh đó, tận dụng nguồn nước mưa tích trữ nước ngọt cho thời gian tới.

Ông Tâm chia sẻ, những năm gần đây nước mặn đến sớm kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Do đó, ngay từ lúc mùa mưa người dân chủ động gia cố công trình đê bao cục bộ quanh vườn cây để ứng phó nước mặn trong thời gian tới.

Ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết, thời gian qua hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến hơn 8.000 ha diện tích trồng cây ăn trái, trong đó có hơn 5.000 ha cây ăn trái đặc sản (sầu riêng, chôm chôm), sản lượng hơn 110.000 tấn trái cây/năm và hơn 1.000 ha sản xuất cây giống, với hơn 30 triệu sản phẩm mỗi năm. Do đó, ngay từ đầu mùa mưa huyện triển khai các biện pháp ứng phó hạn mặn vào thời điểm cuối năm và đầu năm sau.

Theo ông Linh người dân Chợ Lách đã chủ động hơn trong công tác ứng phó hạn mặn, do vậy huyện Chợ Lách kêu gọi người dân chủ động các phương án trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất ngay từ đầu mùa mưa. Ngoài ra, huyện Chợ lách đang tập trung hoàn thiện hệ thống cống kết hợp đê bao cục bộ ngăn mặn trữ ngọt cho người dân trong thời gian tới. Mặt khác huyện Chợ Lách có kiến nghị cấp trên xây dựng các công trình thủy lợi trên các nhánh sông chính để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất cho người dân.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, đợt hạn mặn kéo dài từ cuối năm 2019 đến tháng 6/2020 đã làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Độ mặn 5 phần nghìn bao phủ toàn bộ tỉnh Bến Tre; trong đó có hơn 6.600 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng từ 30 - 70%, 2.603 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng trên 70% và 274 ha bị chết; hơn 5.000 ha lúa gieo sạ ngoài quy hoạch bị chết; hơn 27 nghìn ha dừa, 600 ha cây giống, hơn 1.800 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do hạn mặn…Đặc biệt hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho hay, ngay từ đầu mùa mưa tỉnh Bến Tre tuyên truyền vận động người dân chủ động hơn nữa trong việc trữ nước ngọt, tăng cường các biện pháp trữ nước tại các hộ gia đình, giúp các hộ gia đình không bị thiếu nước sinh hoạt khi có hạn, mặn kéo dài. Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre đang tập trung thực hiện các giải pháp công trình để có sự kết nối đồng bộ với nhau, hình thành vùng khép kín chủ động trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước ngọt cho người dân sinh hoạt, sản xuất, nhằm nâng cao năng lực ứng phó hạn mặn trong thời gian tới.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: