Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai làm việc tại Lai Châu

Đăng ngày: 11-07-2019 | Lượt xem: 1209
Chiều 10/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai do bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy viên Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu về công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

 

Chú thích ảnh
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trưởng đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Tuyên/TTXVN

Ông Vũ Văn Luật - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cho biết: 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số đợt thiên tai như rét đậm, rét hại, mưa đá, gió lốc... làm 2 người chết, 2 người mất tích do lũ cuốn, 1 người bị thương; trên 1.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; trên 100 ha chè, lúa, hoa màu bị gãy dập, cuốn trôi, vùi lấp; trên 450 con gia súc, gia cầm bị chết; 6 công trình thủy lợi, 1 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng; 15 điểm trường, 1 trạm y tế bị tốc mái, ảnh hưởng; 3 cầu bê tông, 2 ngầm tràn bị cuốn trôi, hư hỏng; một số tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng gây tắc nghẽn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông... Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra khoảng 80 tỷ đồng.

Về công tác khắc phục, tái thiết sau thiên tai, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo chính quyền các cấp huy động các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm 4 tại chỗ. 1.400 người là lực lượng thường trực và lực lượng dân quân xung kích các xã tham gia tìm kiếm cứu nạn; kịp thời động viên, hỗ trợ và giúp đỡ các gia đình có người chết, mất tích, bị thương, thiệt hại về tài sản.

Tỉnh Lai Châu cũng triển khai di dời khẩn cấp 29 hộ dân của huyện Mường Tè, 50 công nhân của công trình thủy điện Nậm Bụm ra khỏi vùng thiên tai đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu tiếp tục theo dõi sát 43 hộ dân bản Pa Cheo, xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) để kịp thời ứng phó khi có nguy cơ xảy ra sạt lở; tổ chức cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; chỉ đạo phân luồng giao thông, cắm biển cảnh báo, thi công hót sụt, sạt thông tuyến, đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt, tỉnh Lai Châu đã tổ chức ứng trực 24/24 giờ để nắm bắt tình hình thiên tai qua phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo sửa chữa, tu sửa, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng, tăng cường sức chống chịu trước thiên tai.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai khảo sát tình hình phòng chống thiên tai tại xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên. Ảnh: Công Tuyên/TTXVN

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, thời gian tới tỉnh tiếp tục kiện toàn, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Ban Chỉ huy các cấp; thực hiện công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ ứng phó với các tình huống. Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến thiên tai, tổ chức dự báo, cảnh báo thiên tai; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai; tuyên truyền, vận động nhân dân chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại.

Mặc dù đã cố gắng trong công tác khắc phục, tái thiết sau thiên tai, tuy nhiên, nguồn lực của Lai Châu còn hạn hẹp trong bối cảnh thiên tai gây thiệt hại trên diện rộng, phá hủy nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tỉnh chưa thực hiện được việc xã hội hóa trong di chuyển dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở; một bộ phận người dân chưa chủ động tự bảo vệ tài sản, còn trông chờ, ỷ lại...

Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho nhân dân, tỉnh Lai Châu đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, ban hành nghị định điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 94/2014/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai; ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của lực lượng xung kích cấp xã; Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm phân bổ các nguồn lực, đặc biệt là nguồn kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến, trong đó tập trung vào khắc phục những khó khăn, chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ; những khó khăn trong quá trình ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai; kiến nghị với Trung ương hỗ trợ các nguồn lực cho tỉnh vì Lai Châu là một trong những tỉnh đặc thù, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lũ, gió lốc, sạt lở….

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chia sẻ những khó khăn của Lai Châu trong những năm gần đây khi phải đối mặt với thiên tai, mưa lũ, nhất là trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019; đồng thời ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Lai Châu và sớm có báo cáo với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho tỉnh Lai Châu trong khắc phục hậu quả thiên tai.

Bà Trịnh Thị Thủy đề nghị tỉnh Lai Châu cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân; chủ động rà soát, nắm vững địa bàn, thông tin kịp thời, nhất là tận dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để truyền tải thông tin với người dân về tình hình mưa lũ; đảm bảo an toàn hồ đập, chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ; sẵn sàng lên các phương án di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Huy động tốt nguồn lực xã hội hóa trong công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.

Sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát, kiểm tra tình hình phòng chống thiên tai tại xã Trung Đồng và thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: