Bắc Tây Nguyên: Căng mình phòng chống cháy rừng

Đăng ngày: 05-03-2021 | Lượt xem: 3296
Bắc Tây Nguyên đang vào cao điểm mùa khô, nguy cơ cháy rừng ở mức rất nguy hiểm. Ngành chức năng các tỉnh đang dốc toàn bộ sức lực để đối phó với 'bà hỏa'.

Huyện Kon Rẫy đặt biển báo phòng chống cháy rừng. 

Quyết tâm không để cháy rừng

Có mặt tại vùng “chảo lửa” huyện Krông Pa (Gia Lai) những ngày qua, cái nắng oi ả kéo dài đang đe dọa những cánh rừng bạt ngàn khô khốc nơi đây. Hiện lực lượng bảo vệ rừng của huyện đang tuần tra, canh gác ngày đêm ở các trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, hiện có khoảng 13.600 ha rừng thuộc địa bàn 8 xã Ia R’sươm, Chư’Rcăm, Ia R’sai, Chư Gu, Uar, Ia Mlah, Đất Bằng, Chư’Đrăng có nguy cơ cháy cao (gồm các diện tích rừng trồng, rừng nhiều tre nứa, rừng rụng lá, rừng khộp, rừng tái sinh và các diện tích rừng tiếp giáp với khu sản xuất nông nghiệp, nương rẫy của người dân, đang được tập trung theo dõi, bố trí lực lượng tuần tra, canh gác ở mức độ cao.

Để thực hiện việc phòng chống cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô 2020- 2021, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo, đôn đốc các xã, các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án phòng chống cháy rừng.

Theo đó, phương án phòng chống cháy rừng được xây dựng dựa trên tình hình thực tế, sẵn sàng chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”: Lực lượng 1.358 người; phương tiện 652 xe ô tô, máy cày, xe gắn máy; 1.241 bàn dập lửa, xô đựng nước, dao, rựa, cào, cuốc các loại... Ban chỉ huy Quân sự huyện sẵn sàng huy động lực lượng chữa cháy, lực lượng hậu cần, y tế, dụng cụ, phương tiện chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Cũng ngay trong đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện đã nhận 990 tờ cam kết an toàn lửa rừng, 1.133 tranh tuyên truyền, 20 biển báo cấm lửa, cấm chặt và đốt rừng... Hạt Kiểm lâm đã cấp phát cho các xã treo các bảng nội quy tại Nhà văn hóa thôn buôn, nơi tập trung đông dân cư, đóng các biển báo, biển cấm lửa trên các ngả đường, lối mòn vào rừng, nhất là các vùng trọng điểm cháy để cảnh báo người dân biết, thực hiện.

Tại huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) những ngày này, cái nắng như thiêu như đốt cũng đang đe dọa hàng ngày ha rừng nơi đây. Xác định việc phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ ưu tiên nên từ đầu mùa khô đến nay, đơn vị đã dốc toàn bộ lực lượng để tuần tra, ngăn chặn cháy rừng trên địa bàn.

Theo ông Võ Hồng Huy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy, trong số 29.000 ha rừng mà đơn vị đang quản lý thì rừng trồng tại xã Đăk Trôi (600 ha) dễ có nguy cơ cháy nhất. Chính vì vậy, Công ty đã tổ chức làm đường băng cản lửa để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra

Các chủ rừng đang tăng cường phát quang thực bì phòng chống cháy rừng.

“Vào cao điểm của mùa khô, Công ty đã hợp đồng thêm 15 nhân viên thời vụ để đi tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn cháy rừng. Lãnh đạo Công ty cũng đi kiểm tra, giám sát liên tục, nhờ vậy nên rừng thuộc đơn vị quản lý chưa xảy ra cháy rừng”, ông Huy cho biết.

Xây dựng nhiều phương án phòng chống cháy rừng

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh hiện có 17 huyện, thị xã, thành phố đều có diện tích rừng có nguy cơ cháy cao. Tuy nhiên, 5 huyện có nguy cơ cháy cao nhất gồm: Chư Păh, Mang Yang, TP. Pleiku, Đăk Pơ, Đăk Đoa.

Trong khi đó, tỉnh Kon Tum có diện tích rừng dễ cháy được xác định khoảng hơn 250 ngàn ha (chiếm 41,64% tổng diện tích đất có rừng), tập trung nhiều vào các loại rừng tre nứa, lau lách xen lẫn cây bụi, rừng khộp, rừng thông.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, hàng năm trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng cháy rừng, nguyên nhân chủ yếu là do đặc thù địa hình khó khăn hiểm trở, đồi núi nhiều, khí hậu khắc nghiệt. Bên cạnh đó, trình độ dân trí ở một số địa phương còn hạn chế, đời sống của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào rừng, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm rẫy, sử dụng lửa thiếu ý thức...

Xác định phương châm phòng là chính, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã thường xuyên triển khai thực hiện có hiệu quả phương án phòng chống cháy rừng; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tại các khu vực trọng điểm cháy; quản lý chặt chẽ việc đốt dọn nương rẫy.

Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cũng đã kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô và Kon Rẫy. Qua kiểm tra, đơn vị đã kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở những thiếu sót, tồn tại của các địa phương, đơn vị để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống cháy rừng.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng, các đơn vị chủ rừng đã chủ động tu sửa, làm mới các công trình phòng cháy như làm đường băng trắng cản lửa, xây dựng và tu sửa các chòi canh lửa, các hồ, bể chứa nước, các bảng tuyên truyền cố định… đảm bảo sẵn sàng chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Với Gia Lai, nhằm chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, ngành Kiểm lâm tỉnh cũng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền đến toàn bộ người dân; hướng dẫn người dân đốt dọn nương rẫy để sản xuất đúng quy định, không để lửa cháy lan vào rừng.

Lực lượng Kiểm lâm Gia Lai cũng đã phân công trực 24/24 giờ trong ngày tại các trọng điểm cháy rừng. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, phát hiện lửa rừng và tổ chức dập tắt kịp thời đám cháy khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum vừa ký chỉ thị yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện và các đơn vị chủ rừng triển khai các biện pháp trọng tâm như xác định công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, địa bàn mình quản lý…

Rà soát việc thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức thực hiện công tác tu sửa, làm mới đường băng cản lửa và có phương án chữa cháy rừng cụ thể, phù hợp với từng khu vực, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn. Bên cạnh đó, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng…

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: