Áp dụng công nghệ thông tin trong ứng phó với thiên tai, thảm họa năm 2020

Đăng ngày: 19-05-2020 | Lượt xem: 1351
Ngày 19/5, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2020 nhằm đánh giá công tác ứng phó thảm họa của Hội năm 2019; triển khai kế hoạch năm 2020 và vận động nguồn lực đảm bảo cho công tác này; dự báo mùa thiên tai, thảm họa 6 tháng cuối năm 2020.

Người dân huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận dùng máy bơm hút nước từ những chiếc giếng hiếm hoi. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, Việt Nam ngày càng hứng chịu những trận thiên tai dị thường, trái quy luật và vượt các mốc lịch sử. Trong 3 năm từ 2017-2019, tuy số lượng và tính chất khốc liệt của các trận thiên tai giảm dần, nhưng tính chất bất thường, trái quy luật lại ngày càng tăng. Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều đợt thiên tai bất thường, nguy hiểm đã xảy ra: xuất hiện dông lốc, sét, mưa đá vào ngày 30, mùng 1 Tết Nguyên đán (điều chưa bao giờ xảy ra) và 104 trận liên tiếp sau đó tại 31 tỉnh thành phố, kể cả ở những địa phương chưa từng xuất hiện; những ngày cuối tháng 4 tại Hà Nội, nhiệt độ xuống đến 16,5 độ, thấp nhất 50 năm gần đây và ngay sau đó là nắng nóng. Còn tại Đồng bằng Sông Cửu Long, hạn hán, xâm nhập mặn đã tạo ra một mốc lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016. Hạn mặn năm nay đến sớm hơn so với cùng kỳ trong nhiều năm hơn một tháng, vào rất sâu trên 100km và xuống chậm. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn, thiên tai từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp, bất thường. 

Ông Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, năm 2020, tính đến ngày 18/5, thiên tai đã làm: 15 người chết, 85 người bị thương, 1.685 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn và 54.269 nhà bị hư hại; hơn trăm nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 3.200 tỷ đồng. 

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, có thể giảm thiểu được thiệt hại thông qua việc triển khai các giải pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó dựa trên các kịch bản bất lợi nhất, đặc biệt là tổ hợp thiên tại và dịch bệnh xảy ra đồng thời như dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp trên toàn cầu hiện nay. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chiến lược. Để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19 những tháng đầu năm nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chuẩn bị nguồn lực dự phòng trong toàn hệ thống; chỉ đạo hệ thống Hội triển khai các hoạt động cụ thể sát với thực tiễn và mang tính khả thi cao; kịp thời hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn, người dân và các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID 19. Hội cũng thực hiện trợ giúp quốc tế với tư cách là thành viên Phong trào. Từ đầu năm 2020 đến nay, tổng trị giá tiền và hàng hỗ trợ cho công tác ứng phó thiên tai, dịch bệnh của các cấp Hội đạt trên 100 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động ứng phó với thiên tai trị giá 3,08 tỷ đồng, trợ giúp trên 42.000 người.

Theo ông Nguyễn Hải Anh, điểm mới trong công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa năm 2019 là việc áp dụng công nghệ thông tin, bước đầu triển khai mô hình hành động dựa vào dự báo trong ứng phó thảm họa. Năm 2019 cũng ghi nhận sự tham gia tích cực của khối doanh nghiệp tư nhân đối với công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Từ nay đến cuối năm, công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tập trung vào các hoạt động: Phát triển một số công cụ: Tài liệu quản lý thảm họa, nhân rộng mô hình Tài chính dựa vào dự báo và mô hình nắng nóng, tiếp tục áp dụng với loại hình bão; phát triển mô hình cấp phát tiền mặt theo xu thế cấp phát tiền qua đơn vị tài chính thứ ba và đa dạng hóa loại hình hỗ trợ, hình thức cấp phát… Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hộ hưởng lợi, giám sát và đánh giá sau cấp phát, thu thập thông tin thiệt hại nhu cầu, thông tin cảnh báo trong các hoạt động ứng phó khẩn cấp.

Hội cũng sẽ triển khai các can thiệp khẩn cấp tại cộng đồng tập trung vào 4 lĩnh vực: nước sạch vệ sinh, nhà/chỗ ở an toàn, sinh kế và sức khoẻ/y tế. Đối với vấn đề dịch bệnh, triển khai các nguồn ủng hộ hỗ trợ công tác phục hồi sớm, hỗ trợ sinh kế đối với người dân bị mất nguồn thu nhập.

Tại Hội nghị, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ và Hội Chữ thập đỏ /Trăng lưới liềm đỏ quốc gia về phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: