Tham dự phiên họp có PGS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV),các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV: Lê Thanh Hải, Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng, đại diện lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Viện Khoa học Tài nguyên nước, đại diện lãnh đạo Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng các đơn vị dự báo thuộc Tổng cục KTTV ở Trung ương và các Đài KTTV khu vực và Đài tỉnh thành phố khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ cùng sự tham vấn của các viện nghiên cứu, các đơn vị là thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị phân tích kỹ về hướng đi, dự kiến cường độ bão, khu vực ảnh hưởng của bão số 2... Theo đó, các chuyên gia dự báo thông tin, đến chiều nay (03/7), bão số 2 đã vượt qua đảo Hải Nam và đi vào phía Đông vịnh Bắc Bộ. Ở trạm Bạch Long Vĩ đã quan trắc được gió mạnh cấp 7 (15m/s), giật cấp 9 (21m/s); Ở trạm Cô Tô có gió giật mạnh cấp 8. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to 50-100mm/12 giờ.
Hồi 13 giờ ngày 03/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 130km, cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định khoảng 240km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Các ý kiến thảo luận cũng đã thống nhất về khả năng di chuyển của bão, trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và còn có khả năng mạnh lên.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 04/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Các chuyên gia đều thống nhất về vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình từ tối nay (03/7) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; trong đêm nay đến sáng mai (04/7) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Về dự báo mưa, trong ngày và đêm nay ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to (lượng mưa 50-100mm/24 giờ, có nơi trên 100mm/24 giờ). Từ ngày mai mưa giảm nhanh.
Từ nay cho đến chiều mai (04/7), ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 150-200mm/24 giờ, có nơi trên 250mm/24 giờ). Từ đêm mai mưa giảm ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Từ đêm nay đến sáng 05/7, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc Bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/ 24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ).
Sau khi nghe ý kiến thảo luận tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái nhấn mạnh, đối với bản tin dự báo thì những thông tin dự báo ở mức độ khác nhau cần có một gam màu khác nhau làm sao để ở mỗi mức độ phải có một hành động ứng phó.
Đánh giá cao nỗ lực của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nói riêng và Tổng cục KTTV nói chung trong việc chuẩn bị cho công tác phòng tránh cơn bão số 2, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghịTổng cục KTTVtiếp tục tinh thần dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là dự báo thiên tai KTTV để phục vụ công tác phòng tránh.
“Đây là cơn bão đầu mùa có những cái bất thường. Chúng ta phải quán triệt tinh thần dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là dự báo thiên tai KTTV là để phục vụ công tác phòng tránh. Một khi công tác phòng tránh vẫn còn để xảy ra thiệt hại có nghĩa là chúng ta còn phải phấn đấu, ở đâu đó trách nhiệm chúng ta vẫn còn. Do vậy, cần sử dụng hết thông tin dữ liệu, công nghệ mà chúng ta đã được Chính phủ và Bộ hết sức quan tâm đầu tư và trang bị”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Tổng cục KTTV tiếp tục theo dõi chặt chẽ cơn bão số 2, nhất là sau khi cơn bão đã đi qua đảo Hải Nam. Đồng thời, cập nhật tất cả các khía cạnh đó với vấn đề dự báo thiên tai như các mô hình dự báo quốc tế, cuộc cách mạng truyền thông với nhiều sản phẩm dự báo chi tiết cụ thể. Mặt khác, tiếp tục chủ động làm sao có nhiều thông tin hơn, các lớp thông tin về phát triển kinh tế xã hội, các lớp thông tin về tính sẵn sàng chủ động phòng chống của người dân, doanh nghiệp, tính chống chịu của địa phương...
“Toàn ngành chúng ta từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc. làm sao để giảm thiểu thiệt hại nhất của cơn bão số 2”, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị.
Theo Báo TN&MT