Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra, chỉ đạo công tác dự báo Bão số 3 YAGI tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đăng ngày: 07-09-2024 | Lượt xem: 698
Sáng ngày 7/9, tại Phòng tác nghiệp của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng trực, dự báo Bão số 3 YAGI.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tại cuộc họp

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng - Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Lê Công Thành; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn - Nguyễn Hoàng Hiệp; Trung tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn; Đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cùng một số đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia trình bày báo cáo về cơn Bão số 3 YAGI

Báo cáo tại cuộc họp, Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: Hồi 07 giờ ngày 07/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cách Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 150 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166 km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/h.

Dự báo đến 19h/07/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20 km/h và đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ; cường độ cấp 9, giật cấp 12; cấp độ rủi ro thiên tai Cấp 4 ở khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng, Cấp 3 ở khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hoá.

Đến 07h/08/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20 km/h và đi sâu vào đất liền các các tỉnh Tây Bắc, sau đó quy yếu và tan dần; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hoá.

Ảnh hưởng/tác động của bão gây:

Gió mạnh trên biển: Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Gió mạnh trên đất liền: Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 07/9).

Sóng biển: Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 3,0- 5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0m. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-3,0m, sau tăng lên 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m.

Nước dâng/rút do bão: Khu vực ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hoá) - 2,0m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 07/9. Ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng cần đề phòng nước rút khoảng 0,5m vào khoảng sáng và trưa ngày 07/9. Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn.

Mưa lớn: Từ ngày 07/9 đến sáng 09/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350 mm, có nơi trên 500 mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 07/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 07/9 đến đêm 08/9). Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Dông, tố, lốc: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng khuyến cáo Người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 03 cần tuyệt đối không ra ngoài lúc mưa to gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp. Đối với các tỉnh thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa là những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn; kiên quyết di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn. Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu những ngày sau đó nên cần hết sức đề phòng.

Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài KTTV khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ báo cáo trực tuyến diễn biến tình hình và công tác ứng phó bão số 3 

Báo cáo tại cuộc họp, Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài KTTV khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ cho biết tại Trạm Cô Tô theo số liệu mới nhất đã ghi nhận được gió cấp 8, 9 giật cấp 11. Toàn bộ cán bộ trạm đều đang quan trắc theo tần suất 10p/lần và hiện đang giữ ở mức ổn định, Ông cũng đảm bảo rằng Đài và cán bộ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đài KTTV Quảng Ninh báo cáo trực tuyến diễn biến tình hình và công tác ứng phó bão số 3 

Báo cáo tại cuộc họp, Đài KTTV Quảng Ninh cho biết cho đến hiện tại, Quảng Ninh đang mưa, gió giật lên đến cấp 10. Ngay khi gió vào biển Đông, Đài đã bám sát theo hướng đi của bão để phòng các trường hợp gió bão mạnh nhất và quan trắc sóng biển được cập nhật thường xuyên.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại cuộc họp

Trung Tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, các hồ chứa ở Bắc bộ đã được đưa về mức nước tích lũ. Hệ thống đê biển, đê ven sông có khả năng bị tràn, khi có sóng lớn, lũ dâng và các địa phương đã có phương án ứng phó.

Trung Tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn cho biết đến nay Bộ Quốc phòng đã bố trí gần 100.000 cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện đặc chủng, sẵn sàng ứng phó bão số 3 trong mọi tình huống.

Toàn cảnh buổi làm việc

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Khí tượng thủy văn thông tin ngắn gọn, chính xác và đánh giá tình hình hiện nay khi cơn bão này chính thức đổ bộ; dự báo thời điểm tác động trực tiếp đến các vùng ven biển và đất liền (từ 11h tới 17h, ngày 7/9); đưa ra các khuyến cáo, dự báo tình huống cụ thể ở các địa phương và vùng đất liền, từ đó đưa ra phương hướng xử lý khẩn trương, kịp thời.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn theo dõi sát sao công tác dự báo tình hình, mức độ vượt lên so với dự báo để đưa thông tin chính xác nhất có thể tại các vùng ven biển, vùng đất liền.

Công tác dự báo phải theo sát diễn biến, cập nhật liên tục, nhất là từng thời điểm khi hoàn lưu bão vào, bão đổ bộ, hoàn lưu sau bão, để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành nhanh chóng, kịp thời, để người dân nắm được tình hình để chủ động phòng tránh theo hướng dẫn của lực lượng chức năng - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng cho rằng, đến thời điểm hiện tại, công tác dự báo đã nhận định rất kịp thời, rất sát về phạm vi ảnh hưởng, cường độ, tính phức tạp và liên tục cập nhật diễn biến của cơn bão; đồng thời cần lưu ý dự báo hoàn lưu sau bão để ứng phó.

Phó Thủ tướng yêu cầu các đài khí tượng thủy văn địa phương, cơ quan khí tượng thủy văn khu vực, đặc biệt là các đài quan trắc cụ thể, tập trung dự báo sớm, một vài tiếng, thậm chí ba mươi phút đều rất có ý nghĩa trong phòng, chống bão; duy trì cường độ làm việc, cung cấp thông tin kịp thời hơn, cập nhật hơn và đầy đủ hơn, nhất là vào những thời điểm cơn bão tác động trực tiếp vào bờ.

Với lượng mưa lớn do bão số 3 gây ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị dự báo thuỷ văn, hải văn phải cung cấp thông tin dự báo hằng giờ và nhanh hơn nữa, đi cùng với dự báo bão.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phải kiểm tra công tác vận hành của các hồ điều tiết bằng hệ thống van thuộc quản lý của Cục Quản lý tài nguyên nước, bảo đảm an toàn, phòng ngừa lũ chồng lũ.

Nhấn mạnh, cường độ bão số 3 rất mạnh, đã bắt đầu ảnh hưởng lớn đến các thông tin liên lạc, công tác dự báo tại các đảo ven bờ, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, có các biện pháp duy trì thông tin liên lạc, điều hành thông suốt.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan khí tượng thuỷ văn ở Trung ương, các đài khu vực, các trạm khí tượng đang ở tiền tuyến và sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ dự báo chính xác diễn biến báo số 3 phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành các biện pháp ứng phó ở các cấp.

Hình ảnh Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác dự báo bão các mảng khí tượng, thủy văn, hải văn.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: