Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Hồi 13 giờ ngày 13/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 90km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở 16,1 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 Gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) và phía Bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao từ 4-6m, vùng gần tâm bão 8-10m; biển động dữ dội.
Từ đêm nay (13/11), vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Vùng ven biển từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-0,8m.
Gió mạnh trên đất liền: Từ sáng mai 14/11, trên đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng ven biển có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Mưa lớn: Từ 14-16/11, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm, có nơi trên 350mm; ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to 50-150mm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Tại cuộc họp, các chuyên gia đến từ Tổng cục KTTV, Viện KTTV và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản tập trung thảo luận, phân tích và thống nhất ý kiến về xu hướng di chuyển, cường độ, tác động… của bão số 13, dự báo nguy cơ lũ, sạt lở đất tại khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ông Trần Hồng Thái phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái yêu cầu Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia rà soát, bám sát điều chỉnh quy trình xây dựng bản tin cho phù hợp với tình hình thực tiễn, gửi bản đồ nguy cơ cảnh báo sạt lở đất đến các Ban chỉ huy, các Đài KTTV Tỉnh sử dụng. Toàn bộ mạng lưới quan trắc tự động tại các Đài KTTV khu vực cần sẵn sàng hoạt động, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV kịp thời chuyển các phương tiện truyền tin bằng vệ tinh đến các khu vực cần hỗ trợ. Liên đoàn khảo sát KTTV tiếp tục bố trí quân số ở những điểm phù hợp, hỗ trợ khi cần thiết. Thống nhất trong công tác truyền tin, đảm bảo thông tin báo chí kịp thời, nhanh chóng đến các địa phương để chuẩn bị mọi phương án ứng phó.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Lê Công Thành nhấn mạnh các đơn vị dự báo lưu ý khi thu hẹp vùng cảnh báo, cân nhắc vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Cần tham khảo các bản đồ dự báo, bổ sung thêm yếu tố lượng mưa tích lũy trong thời gian dài ảnh hưởng đến bản đồ cảnh báo sạt lở đất. Đưa các đảo tại các khu vực chịu ảnh hưởng có dân cư và lực lượng vũ trang đóng quân vào khu vực chịu ảnh hưởng của gió mạnh trên biển. Trong 02 tháng qua với 09 cơn bão và 02 áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông, thứ trưởng mong rằng các dự báo viên, quan trắc viên kiên cường trong công tác dự báo, cảnh báo phục vụ, cảnh giác trước mọi diễn biến khó lường của cơn bão. Bám sát thông tin, dữ liệu dự báo để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra đến mức thấp nhất.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Bộ Tài nguyên và Môi trường họp trực tuyến về cơn bão số 13
Bài và ảnh: Thu Hằng