Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở trong những ngày tới

Đăng ngày: 25-07-2018 | Lượt xem: 927
(TN&MT) - Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai chiều ngày 25/7, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Hoàng Đức Cường cho biết, mưa lớn sẽ bắt đầu từ chiều...
BT

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp

Cơ quan khí tượng cảnh báo, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, ĐIện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang do tập trung lượng mưa lớn, trong khi đất đá đã bão hòa.

Theo ông Hoàng Đức Cường, từ nay đến hết tháng 7, mưa lớn sẽ  tập trung ở khu vực vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu với lượng từ 50 – 100 mm/ngày. Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ ngày 25 - 31/7, trên thượng lưu sông Đà, lưu lượng lớn nhất đến hồ Lai Châu đạt từ 3.500 – 4.500m3/giây. Thương lưu sống Thao, mực nước tại Lào Cai ở mức BĐ 1- BĐ 2; tại Yên Bái là BĐ2-BĐ3, sông Lô tại Hà Giang lên mức BĐ1- BĐ2.

Chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai lưu ý, hiện nay, rừng và đất rừng đã ngậm nước bão hòa, bất cứ nơi nào mưa 100 - 200mm đều sẽ rất nguy hiểm. Qua khảo sát, lớp thực bì tại hầu khắp các tỉnh đã bị tổn thương nặng nề khiến trượt lở, lũ quét xảy ra trên diện rộng. Nhiều thiết chế hạ tầng bị quá tải, nhất là đê điều, hồ chứa thủy lợi. Tổng hòa những yếu tố trên cho thấy nguy cơ rất lo ngại nếu những ngày tới có mưa lớn.

anh 2

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Hoàng Đức Cường (thứ hai từ bên trái vào) thông tin về tình hình mưa lũ

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, những hậu quả thiên tai cộng dồn về đời sống, thiết chế hạ tầng do những đợt mưa lũ trước đến nay vẫn chưa kịp phục hồi thì nay lại đứng trước nguy cơ bị tác động. “Tình hình đang rất nguy hiểm. Nếu không chủ động ứng phó, có địa phương sẽ phải hứng chịu thảm họa thiên tai…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Qua tổng hợp diễn biến mưa lũ phức tạp, cực đoan từ cuối tháng 6 đến nay cả ở khu vực và trong nước, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định, công tác khắc phục hậu quả thiên tai mới xử lý bước đầu, tạm thời, bên cạnh đó, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng rất thấp.

Các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của các thành viên Ban chỉ đạo là phải giảm thiểu thiệt hai do lũ quét, sạt lở đất, ổn định nhà ở cho đồng bào; Rà soát phương án đảm bảo an toàn chống lũ trên các hệ thống sông khu vực Bắc Bộ, đặc biệt phương án đảm bảo an toàn đối với dân cư thường xuyên bị ngập úng kéo dài; vùng ven biển miền Trung, các bãi bồi ngoài các tuyến đê.

Khẩn trương tiêu úng và tổ chức, hướng dẫn phục hồi sản xuất diện tích lúa bị ngập nước; Rà soát phương án, xử lý sự cố để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều; Kiểm tra, đánh giá phương án đảm bảo vận hành và an toàn hệ thống hồ chứa thủy lợi; Kiểm tra, đánh giá phương án đảm bảo vận hành và an toàn hệ thống hồ chứa thủy điện.

Quang cảnh cuộc họp

Quang cảnh cuộc họp

Các đơn vị chủ động ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển; nâng cao quản lý tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản giảm thiểu thiệt hại khi ứng phó với bão; đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực miền núi và vùng thấp trũng do thiệt hại về người còn rất lớn do đi lại bất cẩn trong mưa, lũ qua các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu. Trước diễn biến mưa lũ, sự cố công trình phía thượng lưu để đảm bảo an toàn về người và tài sản, tránh tư tưởng chủ quan sau nhiều năm không có lũ; củng cố hệ thống đê bao, bờ bao để bảo vệ sản xuất.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phân giao nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới:

1. Các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể:

- Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai;

- Thực thi nghiêm túc và hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật PCTT, Thủy lợi, Khí tượng Thủy văn và các văn bản có liên quan;

- Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc hỗ trợ khẩn cấp và xử lý kinh phí được hỗ trợ cho các địa phương.

2. Các thành viên Ban chỉ đạo cần tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại các địa phương theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 09/QĐ-TWPCTT ngày 16/7/2018;

3. Khẩn trương ban hành các quy định về an toàn đập (NĐ 72) và tiêu chuẩn quy chuẩn về công trình PCTT;

4. Ban hành Nghị định sửa đối các Nghị định 66 và 94;

5. Các cơ quan đầu mối và cơ quan có thẩm quyền hợp tác quốc tế về PCTT (Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại Giao, Bộ Tài Nguyên và MT, Ủy ban ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN):

Thường xuyên cập nhật, tham mưu, xử lý các vấn đề liên quan đến sự cố vỡ đập thủy điện của nước bạn Lào.

 Tổng cục phòng chống thiên tai sẵn sàng phương án hỗ trợ các bạn Lào để xử lý sự cố vỡ đập, trong đó cử 10 cán bộ tham gia lực lượng hỗ trợ khi có yêu cầu của AHA (Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai);

6. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xử lý cấp bách, các dự án công trình phòng chống thiên tai (hồ chứa, đê điều)

Nguồn: Báo TN&MT

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: