Nâng cao năng lực ứng phó, hạn chế thiệt hại do với thiên tai gây ra trong năm 2019

Đăng ngày: 05-01-2019 | Lượt xem: 994
(TN&MT) - Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2018, nước ta liên tục hứng chịu các trận thiên tai xảy ra trên khắp các vùng miền. Trước tình hình đó, Tổng cục Phòng chống thiên...
Thiên tai

Thiên tai, lũ lụt gây nhiều thiệt hại cho TP Đà Nẵng trong năm 2018

Thiên thiên bất thường và công tác ứng phó

Báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cho biết: Năm 2018, nước ta liên tiếp xảy ra các trận thiên tai lớn gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong 12 tháng, có 13 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng đến nước ta. Cả ba miền Bắc - Trung - Nam phải hứng chịu tổng cộng: 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 09 đợt gió mạnh trên biển; 04 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng.

Đặc biệt, sau 7 năm (kể từ 2011), thượng nguồn sông Cửu Long xuất hiện lũ lớn, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam Bộ, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nghiêm trọng tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long… Thiên tai đã làm chết và mất tích 218 người, gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng.

Trước tình hình đó,Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT) đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo ban hành 66 công điện chỉ đạo công tác ứng phó với các đợt thiên tai. Đồng thời, tổ chức tham mưu tính toán vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Năm 2018, Tổng cục đã tổ chức 15 đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ, Ban chỉ đạo đi thị sát, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại các địa phương trọng điểm.

Ngoài ra, Tổng cục còn tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ các địa phương khu vực phía Bắc 1.135 tỷ đồng để khắc phục hậu quả sau thiên tai, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 6.300 tỷ đồng và 36 triệu USD (vốn ODA) để khắc phục khẩn trương các công trình đê điều, xử lý sạt lở ĐBSCL, xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông miền Trung. Phối hợp các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ di dời khẩn cấp 5.495 hộ dân bị thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hiện không có nhà ở, phải đi ở nhờ hoặc đang ở lều lán, nhà tạm thuộc 13 tỉnh.

Về quản lý đê điều, Tổng cục đã xây dựng phương án chỉ đạo ứng phó với lũ lớn trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, xây dựng bản đồ phục vụ điều hành công tác hộ đê và PCTT; Phê duyệt kế hoạch duy tu bảo dưỡng cho 20 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; ban hành hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật trong công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý đê….

Trong năm 2018, công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng được quan tâm chú trọng và đấy mạnh, có định hướng, bài bản hơn. Hoạt động thông tin không chỉ diễn ra ở Trung ương mà triển khai tới tận địa phương, thôn bản, từng bước thay đổi nhận thức của người dân và đưa công tác PCTT đi vào cuộc sống. Nhận thức của chính quyền các cấp và người dân trong PCTT ngày càng được nâng cao nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Điển hình là sự kiện lũ năm 2018 tại ĐBSCL, trận lũ này tương đương với lũ năm 2011, nhưng không có trường hợp nào bị chết do đuối nước. Trong khi đó, lũ năm 2011 làm chết 89 người (năm 2000 là 481), cho thấy kết quả của cả một quá trình từ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân, sự chủ động của chính quyền địa phương, cộng đồng và sự chỉ đạo kịp thời, chính xác của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo ứng phó với lũ năm 2018.

Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai

Về kế hoạch năm 2019, báo cáo cho biết: Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo mục đích, đối tượng và hiệu quả nguồn kinh phí; Tổ chức tốt công tác trực ban theo chế độ 24/24h để theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó với thiên tai.

Ngoài ra, chú trọng tính toán vận hành điều tiết liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông trên cả nước, đặc biệt là hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình Hồng để sẵn sàng chỉ đạo các tình huống vận hành hồ đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Tổng cục sẽ thực hiện xây dựng các công cụ hỗ trợ, cơ sở dữ liệu phục vụ tham mưu chỉ đạo điều hành như: bản đồ bão, áp thấp nhiệt đới; Atlat điện tử cơ sở dữ liệu PCTT theo các khu vực sông; tính toán ngập lụt, nước biển dâng theo thời gian thực,…; Chỉ đạo kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều trước mùa mưa lũ; xác định vị trí trọng điểm xung yếu, phương án ứng phó. Đồng thời  đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều cũng như kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả khẩn cấp đê điều đảm bảo quy trình, thủ tục và chất lượng, hiệu quả đầu tư; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác cát sỏi lòng sông; xác định và xử lý sự cố giờ đầu, đảm bảo an toàn, giữ vững hệ thống đê điều nhất là từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Năm 2019, Tổng cục Phòng chống thiên tai tập trung xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp PCTT và chia sẻ tới các cơ quan liên quan và cộng đồng; Theo dõi, giám sát tự động, trực tuyến thông số các công trình trọng điểm và các vị trí xung yếu, các thiên tai lớn xảy ra (camera, viễn thám,…); Ứng dụng KHCN trong xây dựng công trình PCTT như phòng, chống sạt lở, hệ thống đê điều, công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; Lắp đặt thí điểm cảnh báo tự động lũ quét, sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi; Tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về công trình an toàn trước thiên tai, lĩnh vực đê điều; Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống thiên tai, huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cho công tác ứng phó khẩn cấp và PCTT.

Trong năm nay, Tổng cục sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình, đài truyền thanh, mạng xã hội (Facebook,…) trong hướng dẫn, tuyên truyền phòng chống thiên tai tới cộng đồng. Xây dựng các tài liệu truyền thông đảm bảo hấp dẫn, dễ hiểu cho các đối tượng, kể cả vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc.  Xây dựng phần mềm APPs tuyên truyền, hướng dẫn cho cộng đồng và chính quyền các cấp về PCTT; trò chơi Game về PCTT; Tổ chức các cuộc thi trong lực lượng làm công tác truyền thông trung ương, các đài, báo địa phương, các phóng viên và xã hội;

 Điều chỉnh Đề án 1002 và hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực của cộng đồng; có kế hoạch cụ thể phối hợp với các địa phương để chỉ đạo việc triển khai đào tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là Quỹ PCTT để thực hiện.

Do đặc thù , công tác PCTT không chỉ là chuyên môn, nghiệp vụ mà còn liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi toàn xã hội tham gia. Vì vậy, Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ có nhiều phương án để nâng cao hiệu quả phối hợp công tác PCTT với các Bộ, ngành, các đơn vị trong và ngoài Bộ, các tổ chức đoàn thể, địa phương...

Nguồn: Báo TN&MT

 
 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: